Tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của ngành Quốc phòng, Công an và Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng quy định

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, đã có 13 lượt đoại biểu phát biểu góp ý cho Luật Lưu trữ với các nội dung cụ thể, thiết thực.

Thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương với 65 điều.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đáng chú ý, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, điều 10 dự thảo luật quy định: Bộ Nội vụ quản lý tài liệu, cơ sở dữ liệu gồm: Tài liệu lưu trữ tại lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở Trung ương; cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; tài liệu lưu trữ dự phòng Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao. Việc quản lý, lưu trữ tài liệu của tổ chức Đảng trong các ngành Quốc phòng, Công an, Bộ Ngoại giao được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng.

Ngoài ra, điều 11 của dự thảo luật cũng quy định: Đối với cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành Quốc phòng, Công an và Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ đạo xây dựng, quản lý, vận hành. Sau khi hết thời hạn lưu trữ tại lưu trữ hiện hành, việc lưu trữ tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của ngành Quốc phòng, Công an và Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định.

Lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số

Trước đó, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan; có ý kiến đề nghị đối với tài liệu số lưu trữ vĩnh viễn thì in ra và đưa vào kho lưu trữ. Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.

Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, kết cấu của dự thảo luật được chỉnh lý không quy định chương riêng về lưu trữ điện tử mà lồng ghép vào chương 3 về nghiệp vụ lưu trữ; nhằm vừa bảo đảm tính thống nhất trong nghiệp vụ lưu trữ, vừa bảo đảm các quy định được rõ ràng, đầy đủ hơn cho từng loại hình tài liệu lưu trữ và giúp cho việc tổ chức thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

Bên cạnh đó, điều 22 của dự thảo luật đã quy định lập tài liệu lưu trữ dự phòng đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn có nguy cơ bị hỏng nặng, do đó đề nghị không bổ sung quy định về chuyển tài liệu số sang tài liệu giấy để lưu trữ.

Đánh giá kỹ sự cần thiết không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Tán thành với quy định của dự thảo luật, song đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Hà Nội) băn khoăn với quy định “phải có ý kiến của Bộ Nội vụ”. Bởi, Bộ Nội vụ khó có thể có đủ nhân lực để nắm bắt được các đặc thù quản lý Nhà nước của mỗi bộ, ngành để cho ý kiến, trong khi cũng cần có quy định đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh đề nghị, cần quy định theo hướng các bộ, cơ quan ngang bộ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quy định; sau đó gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi và giám sát việc thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý điểm b, khoản 4, điều 56 của dự thảo luật quy định, người đang chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, cho rằng, quy định này chưa thống nhất với khoản 3, điều 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính; đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh quy định tại điểm b, khoản 4 điều 56 để phù hợp với pháp luật liên quan.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị nên đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Việc xác định các ngành nghề trên là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc, xem xét, đối chiếu với nội dung quy định tại khoản 4 và khoản 5 điều 5 của dự thảo luật. Việc ràng buộc điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ dường như đi ngược lại với chính sách này” – đại biểu nói.

Không phải dịch vụ kinh doanh có điều kiện nhưng phải phù hợp thực tế

Giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu là rất quan trọng, sát đáng đóng góp vào việc hoàn thiện Luật Lưu trữ. “Khi nước ta hòa cùng xu thế của thế giới, hòa nhập trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số là điều dễ hiểu. Việc chia sẻ dữ liệu số hóa để cho phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu và quốc phòng an ninh” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ nội dung đại biểu Quốc hội nêu.

Về vấn đề dịch vụ lưu trữ, là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc này luật không quy định, nhưng việc tài liệu lưu trữ là lĩnh vực chuyên sâu, nên cần đưa vào quy định cụ thể. “Tại điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Thực chất các hoạt động lưu trữ nó là một hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ rất sâu liên quan đến tài liệu lưu trữ - là tài liệu lịch sử chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì cần phải được bảo đảm an ninh thông tin và quản lý chặt chẽ. Theo đó quy định cụ thể các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ thì trong nội dung thiết kế thì cũng thiết kế theo các cấp độ khác nhau cho nó phù hợp với thực tế, để khuyến khích và thúc đẩy được xã hội hóa cho hoạt động lưu trữ” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tai-lieu-luu-tru-vinh-vien-cua-nganh-quoc-phong-cong-an-va-bo-ngoai-giao-do-bo-truong-quy-dinh-i732207/