Tai nạn từ gờ giảm tốc 'luống khoai' ở Bình Dương
Gờ giảm tốc có chức năng làm giảm TNGT nhưng nhiều nơi làm không theo quy định biến những gờ này thành vật cản giao thông, bẫy người đi đường...
Tai nạn vì gờ giảm tốc
Sáng 18/7, sau khi xảy ra vụ thùng container rơi đè trúng một phụ nữ (chiều 17/7) xảy ra trên đại lộ Độc Lập, PV Báo Giao thông có mặt ở khu vực TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương để ghi nhận thực trạng “thiên la địa võng” của những chiếc gờ giảm tốc chẳng giống ai ở đây.
Ngay tại nơi xảy ra vụ rơi thùng container ở trước khu vực cổng Bảo tàng Quân đoàn 4, đại lộ Độc Lập, PV quan sát, có 1 gờ giảm tốc cao hơn mặt đường khoảng 15 cm, to gấp đôi “luống khoai lang” mọc chềnh ềnh giữa đường, khiến các loại phương tiện lưu thông rất khó khăn. Mỗi lần có chiếc xe container nào đi qua lại bị xốc nhảy lên tạo ra những tiếng “rầm, rầm”… dù tài xế đã cố chạy chậm hết sức. Tài xế ô tô con cũng phải giảm hết ga, cho xe nhích từng bước.
Nhiều người dân sinh sống ở khu vực này bức xúc: “Gờ giảm tốc gì mà to như “luống khoai lang”. Nhiều người đi xe máy lần đầu qua đoạn đường này không biết nên bị xốc rất mạnh, nhiều lúc lạc tay lái, té ngã”.
Tuyến đại lộ Độc Lập chỉ dài chừng 3km, chạy qua khu công nghiệp Sóng Thần, kết nối từ QL1 với ngã tư 550, nhưng có hàng chục gờ giảm tốc kiểu như vậy. Không chỉ ở đây, các tuyến đường số 10, số 8, số 5, số 3, số 11, đại lộ Thống Nhất, GS1… ở TX Dĩ An cũng đều có rất nhiều gờ giảm tốc cao tương tự. Một số tuyến, điển hình là đường số 11 (khu phố Nhị Đồng 1), do dự án thoát nước thải đô thị đào đường và lấp lại làm mất 1 nửa “luống giảm tốc”. Dân đi qua đây có vẻ “dễ thở” hơn, nhưng nguy cơ TNGT lại tăng cao, do người điều khiển phương tiện thi nhau đi vào phần “luống giảm tốc” đã bị phá.
Đã có nhiều vụ người đi xe máy tự ngã trên tuyến đường GS (ở khu vực BigC Dĩ An), nguyên nhân được xác định là do “luống giảm tốc”. Chị Lan, một nhân viên phục vụ quán nướng ở khu vực này cho biết, thỉnh thoảng lại có người đi xe máy bị ngã vì bất cẩn khi leo gờ giảm tốc, có người bị nặng phải đi viện cấp cứu.
Tại TP.HCM, tuyến đường Võ Chí Công từ cầu Phú Hữu đến đường rạch Gò Công dài khoảng 3km chạy qua Khu công nghệ cao, quận 9. Tuyến đường rộng mỗi bên 3 làn xe, trước đây chủ yếu phục vụ việc vận chuyển của các phương tiện trong Khu công nghệ cao. Đơn vị chức năng đã cho xây các gờ giảm tốc kiểu “luống khoai” để hạn chế tốc độ. Thế nhưng, khi cầu Phú Hữu hoàn thành, tuyến đường này trở thành đường công cộng, người dân thường xuyên lưu thông, các gờ giảm tốc này trở thành vật cản gây ra nhiều vụ tai nạn.
Điển hình ngày 4/4, một người đàn ông chạy xe máy từ đường Bưng Ông Thoàn ra đường Võ Chí Công, khi đến trước đoạn qua cổng Công ty Samsung đã vấp vào gờ giảm tốc, khiến người đàn ông cùng xe máy ngã xuống đường. Nạn nhân được người dân và bảo vệ khu công nghệ cao gọi xe cứu thương đưa đi bệnh viện. Theo các bảo vệ ở đây, tình trạng người đi xe máy vấp vào gờ giảm tốc ngã xe xảy ra rất nhiều, có trường hợp bị thương rất nặng.
Tự ý lắp đặt không đúng chuẩn phải tháo dỡ
“
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM) cho biết, việc thi công các gờ giảm tốc ở đường Võ Chí Công, quận 9 theo đúng các tiêu chuẩn Bộ GTVT ban hành. Trước khi thực hiện có khảo sát và lấy ý kiến quận và các đơn vị chức năng.
Khi PV phản ánh về tình trạng các gờ giảm tốc này đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ TNGT trên đường Võ Chí Công, một lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông đường bộ (Sở GTVT) cho biết, sẽ kiểm tra xác thực rồi mới có hướng giải quyết cụ thể.
”
Ông Nguyễn Xuân Quý, một nhà thầu chuyên làm giao thông tại các khu dân cư ở TX Dĩ An cho hay, các gờ giảm tốc được xây dựng trên địa bàn là do tự phát. Ban đầu xuất phát từ mô hình trong khu công nghiệp, sau đó người ta áp dụng trên nhiều tuyến đường công cộng.
“Chúng tôi làm đường, người ta yêu cầu thì phải làm, tuy nhiên tôi thấy không hiệu quả, trái lại còn là chướng ngại vật tiềm ẩn tai nạn. Ở TP.HCM và nhiều địa phương khác làm các vạch giảm tốc còn có biển cảnh báo, chỉ có Dĩ An là một mình một kiểu… Ngay như tuyến đại lộ Độc Lập, trước kia là của khu công nghiệp Sóng Thần, nhưng đã chuyển giao cho Sở GTVT Bình Dương quản lý vì có quá đông phương tiện hỗn hợp qua lại. Tôi cũng không hiểu sao, dù đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, nhưng các gờ giảm tốc này vẫn không bị phá bỏ?!...”, ông Quý nói.
Để có thông tin đa chiều, ngày 19/7, PV liên lạc với lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương phản ảnh về những bất cập của gờ giảm tốc tại khu vực TX Dĩ An, nhưng lãnh đạo Sở này chưa có thông tin phản hồi cho báo…
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, những gờ giảm tốc kiểu như các tuyến đường ở TX Dĩ An không đúng theo các tiêu chuẩn quy định. Theo Quyết định 1587/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT “Hướng dẫn xây dựng các gờ giảm tốc”, định nghĩa gờ giảm tốc dạng sống trâu được làm bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng và sơn phủ bằng sơn dẻo nhiệt phản quang màu vàng, chiều cao lớn nhất là từ 6mm - 9mm.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng, có quy chuẩn về việc xây dựng các điểm giảm tốc độ để áp dụng cho từng tuyến, từng đoạn đường khác nhau. Muốn xây dựng gờ giảm tốc ở khu vực nào phải tham khảo ý kiến, chẳng hạn lắp đặt ở khu dân cư phải được sự đồng ý của người dân. Bên cạnh đó, phải có đề xuất, thống nhất giữa quận, huyện với các đơn vị chức năng; sở GTVT rà soát, xem xét lại có phù hợp không mới cho lắp đặt, không phải ai muốn xây thế nào cũng được đâu. “Kể cả khi đã lắp đặt gờ giảm tốc, nếu rà soát lại thấy không hiệu quả, có những bất cập cũng phải tháo dỡ”, ông Tường nói.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/go-giam-toc-thanh-bay-tai-nan-giao-thong-d428163.html