Tại sao bay ở Nepal lại nguy hiểm?
Vụ rơi máy bay chở 22 người ở Nepal đã làm nổi bật sự nguy hiểm của việc di chuyển bằng đường hàng không ở quốc gia có nguy cơ tai nạn bay cao nhất thế giới này.
Theo cơ sở dữ liệu của Mạng lưới An toàn Hàng không, khi một chuyến bay của Tara Air đâm vào ngọn núi Himalaya ở độ cao khoảng 4.400 mét vào Chủ nhật vừa rồi, đó là vụ tai nạn máy bay thứ 19 trong 10 năm gần đây của Nepal.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ của Nepal gần hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: CNN
Bài liên quan
Nepal tìm thấy gần như tất cả nạn nhân trong vụ rơi máy bay
Máy bay chở 22 người mất tích ở Nepal
Iran khoe căn cứ máy bay không người lái dưới lòng đất
Không quân Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh trên máy bay B-52
Trong khi các nhà điều tra vẫn đang xem xét chính xác những gì đã xảy ra qua hộp đen mới được thu hồi, các chuyên gia cho biết các điều kiện như thời tiết thay đổi, tầm nhìn thấp và địa hình đồi núi đều góp phần khiến Nepal nổi tiếng là một nơi nguy hiểm.
Đặc biệt, vào dịp này, thời tiết xấu được cho là một phần nguyên nhân, Binod B.K, một quan chức của Bộ Nội vụ Nepal, cho biết.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal cho biết, máy bay Tara Air đã cất cánh vào sáng Chủ nhật (29/5) từ thành phố Pokhara, miền trung Nepal và đang thực hiện chuyến bay khoảng 25 phút tới điểm du lịch nổi tiếng Jomsom thì mất liên lạc với bộ phận kiểm soát trên không.
Thời tiết xấu, tầm nhìn kém và thiếu ánh sáng ban ngày đã cản trở hoạt động tìm kiếm và cứu hộ ban đầu của quân đội Nepal, nhưng các máy bay trực thăng được gửi qua địa hình đồi núi đã giúp xác định vị trí các mảnh vỡ và các thi thể đầu tiên đã được tìm thấy.
Hôm thứ Ba (31/5), bất chấp thời tiết xấu vẫn tiếp diễn, lực lượng cứu hộ thông báo họ đã vớt được tất cả 22 thi thể các nạn nhân.
Thời tiết hay thay đổi không phải là vấn đề duy nhất đối với các hoạt động bay. Theo báo cáo an toàn năm 2019 từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, "địa hình hiểm trở" của nước này cũng là một phần của "thách thức to lớn" mà các phi công phải đối mặt.
Nepal, đất nước 29 triệu dân, là nơi tọa lạc của 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả Everest. Cảnh quan hiểm trở tuyệt đẹp của nó khiến nơi đây trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng cho những người yêu thích leo núi.
Nhưng địa hình này có thể khó điều hướng từ trên không, đặc biệt là khi thời tiết xấu, và mọi thứ còn tồi tệ hơn do nhu cầu sử dụng máy bay nhỏ để tiếp cận những vùng núi và xa xôi hơn của đất nước.
Báo cáo của Cơ quan Hàng không Dân dụng cho biết, máy bay từ 19 chỗ ngồi trở xuống dễ gặp tai nạn hơn máy bay lớn. Thủ đô Kathmandu là trung tâm trung chuyển chính của Nepal, nơi có nhiều chuyến bay nhỏ xuất phát.
Sân bay ở thị trấn Lukla, đông bắc Nepal, thường được coi là sân bay nguy hiểm nhất thế giới. Được biết đến như là cửa ngõ vào Everest, khi đường băng của sân bay nằm trên một vách đá giữa những ngọn núi và có vực sâu ở đoạn cuối.
Việc thiếu đầu tư để thay thế các máy bay cũ cũng làm tăng thêm rủi ro. Năm 2015, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên hợp quốc, đã ưu tiên giúp đỡ Nepal thông qua Quan hệ Đối tác Hỗ trợ Thực hiện An toàn Hàng không. Hai năm sau, ICAO và Nepal đã công bố quan hệ đối tác để giải quyết các lo ngại về an toàn.
Trong những năm gần đây, quốc gia này đã tiến hành cải thiện các tiêu chuẩn an toàn, nhưng những thách thức vẫn còn đó. Vào năm 2016, một chuyến bay của Tara Air đã gặp sự cố khi đang bay cùng lộ trình với chiếc vừa gặp tai nạn. Sự cố đó liên quan đến một chiếc máy bay Twin Otter mới mua gần đây đang bay trong điều kiện thời tiết tốt.
Vào đầu năm 2018, một chuyến bay của US-Bangla Airlines từ Dhaka đến Kathmandu đã gặp sự cố khi hạ cánh và bốc cháy, khiến 51 trong số 71 người trên máy bay thiệt mạng.
Quốc Thiên (theo CNN)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tai-sao-bay-o-nepal-lai-nguy-hiem-post197379.html