Tại sao hơn 50% lao động nghề du lịch tại Việt Nam thiếu kỹ năng, nghiệp vụ?

Hơn 50% lao động nghề du lịch thiếu kỹ năng/nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam đã nâng lên hơn 10 bậc so với năm 2015 (từ 75/141 lên 63/140), tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực và thị trường lao động của Việt Nam vẫn xếp hạng thấp (47/140) và có sự sút giảm so với năm 2017, chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Bruney trong các nước ASEAN.

Hơn 50% lao động còn lại thiếu kỹ năng/nghiệp vụ

Hơn 50% lao động còn lại thiếu kỹ năng/nghiệp vụ

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Lượng nhân lực này đang thiếu và yếu về ngoại ngữ cùng những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong.

Phát biểu tại buổi hội thảo "Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam" diễn ra vào sáng ngày 6/10 tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, trong giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,37%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học khoảng 24%, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng khoảng 13%, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp khoảng 14%...

"Chỉ có 45% lao động nghề đã qua đào tạo, chưa kể trong số đó sẽ còn một lượng lao động nhất định chưa đạt yêu cầu, đủ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng. 55% lao động thiếu kỹ năng/nghiệp vụ dẫn đến hiện trạng tất yếu là chất lượng lao động trong nhóm này không đáp ứng được yêu cầu của nghề" - TS Nguyễn Anh Tuấn nói.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, ngoài kiến thức, kỹ năng về nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đối với đối tượng lao động nghề còn rất hạn chế, ngoại trừ những nghề yêu cầu bắt buộc như hướng dẫn viên, lễ tân. Theo một nghiên cứu cho thấy, tuy có 60% lao động có kỹ năng tin học và có thể sử dụng các thiết bị máy tính, công nghệ nhưng chỉ dừng ở mức đơn giản, cho thấy chất lượng còn rất mỏng ở khối lao động nghề.

Định hướng giải pháp nâng cao chất lượng

Từ tháng 6 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc hoàn thiện và thẩm định để ban hành các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Trong thời gian qua, các đơn vị liên quan đã rất cố gắng trong triển khai xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của dự án EU giai đoạn 1 và dự án ERST giai đoạn 2 (dự án Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ) đã được xây dựng và ban hành hệ thống các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề đã được áp dụng rộng rãi trong ngành du lịch.

Hội thảo "Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam"

Hội thảo "Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam"

Tuy nhiên, trong thực hiện hiện đang có 3 vấn đề đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện và thực thi các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch gồm: Sự thay đổi trong cách tiếp cận xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; Hạn chế về về nguồn lực và dỗ trễ về thời gian hoàn thiện; Các điều kiện để áp dụng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chưa đồng bộ.

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để giải quyết những vấn đề trên có 4 định hướng, giải pháp cần thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống chuẩn kỹ năng nghề, các bộ công cụ liên quan; Triển khai thành lập hệ thống các trung tập đánh giá kỹ năng nghề và đội ngũ thẩm định viên; Thành lập các Hội đồng ngành du lịch và Hội đồng chứng chỉ quốc gia lĩnh vực du lịch; Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia.

"Việc phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị chức năng liên quan khác là thực sự cần thiết để đảm bảo hoàn thiện, thực thi hệ thống các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia một cách phù hợp với định hướng mục tiêu phát triển ngành du lịch trong thời gian tới" - TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tai-sao-hon-50-lao-dong-nghe-du-lich-tai-viet-nam-thieu-ky-nang-nghiep-vu-2020100615472585.htm