Tại sao người Trung Quốc nổi giận với 'Thợ săn quái vật'?

Khán giả Trung Quốc không chấp nhận câu đùa 'đầu gối dơ bẩn' trong 'Monster Hunter'. Tác phẩm bị rút khỏi các rạp phim tại quốc gia tỷ dân chỉ sau một ngày trình chiếu.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã vào cuộc sau khi clip 10 giây cắt từ bộ phim Monster Hunter - Thợ săn quái vật lan truyền trên mạng xã hội nước này. Khán giả cho rằng câu đùa “đầu gối dơ bẩn” của hai nhân vật trong phim đã xúc phạm và động chạm đến quốc gia tỷ dân.

Monster Hunter chính thức ra rạp Trung Quốc từ 4/12, tức sớm hơn kế hoạch phát hành tại Bắc Mỹ ba tuần. Trong ngày khởi chiếu, tác phẩm của Sony Pictures thu 5,19 triệu USD, đứng thứ ba bảng xếp hạng phòng vé quốc gia tỷ dân.

Khởi đầu tương đối thuận lợi, nhưng rắc rối đã sớm xảy ra. Lời thoại đùa cợt bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc khiến tác phẩm dựa trên trò chơi cùng tên của Capcom lập tức bị rút khỏi toàn bộ rạp chiếu phim.

Câu đùa miệt thị người châu Á

Trong một cảnh đầu phim, nhân vật do rapper người Mỹ gốc Á MC Jin thể hiện đùa cợt với đồng đội rằng: "Đây là loại đầu gối gì nhỉ? Là Trung Quốc đó".

Nhiều người cho rằng câu thoại là biến thể từ câu chế nhạo: "Người Trung Quốc, người Nhật Bản, có đầu gối dơ bẩn, nhìn chúng xem" (Chinese, Japanese, dirty knees, look at these). Đây là lời ca mang hàm ý phân biệt chủng tộc, thường được những đứa trẻ không phải gốc Á sử dụng. Theo Scout, cụm từ "đầu gối dơ bẩn" mang hàm ý phân biệt chủng tộc nhắm đến người châu Á và người Mỹ gốc Á.

Sau khi vụ việc bùng phát, các cụm rạp Trung Quốc bắt đầu loại bỏ Monster Hunter. Đến ngày 5/12, các chủ rạp nhận được thông báo khẩn từ cơ quan chức năng. Họ yêu cầu hủy toàn bộ suất chiếu sắp tới, hoàn tiền cho khán giả đặt vé sớm theo dõi bộ phim.

Sau đó, mạng xã hội Trung Quốc liên tục xuất hiện hình ảnh cho thấy bộ phim có nguy cơ bị loại bỏ hoàn toàn, không có bản thay thế hay qua kiểm duyệt thêm lần nào để trở lại rạp nữa.

Monster Hunter đánh mất cơ hội kiếm tiền tại thị trường quốc gia tỷ dân. Ảnh: Outnow.

Monster Hunter đánh mất cơ hội kiếm tiền tại thị trường quốc gia tỷ dân. Ảnh: Outnow.

Vụ việc đã giáng một đòn cực mạnh vào danh tiếng của Tencent Pictures - một trong những đơn vị sản xuất bộ phim. Trong khi một số người hâm mộ cuồng nhiệt nguyên tác trò chơi hy vọng Monster Hunter sẽ tiếp tục được trình chiếu sau khi chỉnh sửa, phần đông cho rằng bộ phim nên bị gỡ càng sớm càng tốt.

Một tài khoản trên Weibo viết: “Nếu không có hình phạt nghiêm khắc, trong tương lai sẽ có nhiều người người muốn hạ nhục và làm bẽ mặt người Trung Quốc”.

Giữa tâm bão chỉ trích, Tencent từ chối đưa ra bình luận. Tạp chí Variety đã liên hệ đại diện Capcom và các công ty sản xuất Constantin Film, Impact Pictures, nhưng không nhận được câu trả lời.

Sony, công ty chịu trách nhiệm phát hành Monster Hunter ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, cho biết họ chưa được “thông báo đầy đủ” về tình hình tại Trung Quốc và từ chối đưa ra bình luận.

Cùng lúc đó, có nhiều người Trung Quốc để lại bình luận tức giận, đánh giá tiêu cực tại trang của nguyên tác trò chơi trên hệ thống Steam. Phần lớn bình luận đều đề cập đến “đầu gối bẩn thỉu” và chỉ trích tình tiết miệt thị người gốc Á của bộ phim chuyển thể.

“Capcom sẽ chết với tôi”, “Tôi không giới thiệu trò chơi này bởi phim chuyển thế có hàm ý phân biệt chủng tộc”... là một số bình luận trên mạng xã hội Trung Quốc.

Khéo léo che đậy câu thoại nhạy cảm

Trong clip được quay bằng điện thoại lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, câu đùa “đầu gối dơ bẩn” có phụ đề tiếng Trung theo nghĩa hoàn toàn khác. Điều này càng khiến công chúng tại quốc gia tỷ dân phẫn nộ.

Một số người xem câu thoại là câu đùa thể hiện tình bạn và mang tính chơi chữ. Song, khán giả Trung Quốc vô cùng phẫn nộ bởi nó có thể ám chỉ bài đồng dao xưa cũ, có tính phân biệt chủng tộc và xúc phạm người châu Á.

Song, phụ đề tiếng Trung được chỉnh sửa một cách tinh vi. Theo truyền thống xa xưa, đàn ông sống phải có phẩm giá và không dễ dàng quỳ gối trước mặt ai khác. Khi chuyển ngữ câu thoại, các dịch giả biến cuộc đối thoại liên quan đến phong tục Trung Quốc.

“Đàn ông có vàng dưới đầu gối, họ chỉ quỳ lạy trời đất và cha mẹ”. Câu nói được dịch với ngụ ý bất cứ lúc nào đàn ông quỳ xuống, đó là dịp quý như vàng.

Khi phát hiện ra sự khác biệt giữa phụ đề và thoại gốc, cơn giận dữ của người Trung Quốc lại tiếp tục tăng cao. Số đông cho rằng đây là hành vi nhằm che giấu tính phân biệt chủng tộc của kịch bản.

 Trung Quốc được xem là quốc gia nhạy cảm với các vấn đề thuộc về chủng tộc, văn hóa. Ảnh: Sony.

Trung Quốc được xem là quốc gia nhạy cảm với các vấn đề thuộc về chủng tộc, văn hóa. Ảnh: Sony.

Hashtag “Monster Hunter Insults China” (tạm dịch: Thợ săn quái vật lăng mạ Trung Quốc) nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội Weibo. Các ứng dụng đánh giá phim ảnh cũng đầy ắp những bình luận tức giận.

“Ai đang ở dưới đầu gối của các bạn? Người Trung Quốc à? Hãy tẩy chay phim rác”, tạp chí Variety trích bình luận được đông đảo ủng hộ trên nền tảng đánh giá Maoyan. “Nếu là người Trung Quốc, bạn không nên đi xem bộ phim này”, một tài khoản khác viết. Hiện tại, Monster Hunter có điểm 7,8/10 trên Maoyan và 4,9/10 trên trang đánh giá Douban.

Tối 5/12, để tránh khỏi các cuộc tranh cãi, Capcom tuyên bố trên Weibo và nhắc nhở công chúng rằng hãng trò chơi không đóng vai trò gì trong việc xây dựng kịch bản hay lời thoại bộ phim.

“Sau khi biết ý kiến của các bạn về bộ phim Monster Hunter, chúng tôi đã thu thập ý kiến của người chơi và báo cáo tình hình cho các bên có liên quan. Chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của các bạn trong tương lai”, Capcom viết.

Tencent lâm vào thế bí

Hãng Tencent lúc này rơi vào tình thế khó xử giữa việc làm hài lòng khán giả Trung Quốc và bảo vệ lợi ích tài chính.

“Một bộ phim xúc phạm Trung Quốc đang được bảo vệ. Họ lo lắng và điên cuồng xóa bài đăng của mọi người”, một người dùng Weibo lên tiếng khi các bài phê bình liên tục bị xóa.

Hiện tại, trên các mạng xã hội ở quốc gia tỷ dân, từ khóa “Monster Hunter lăng mạ Trung Quốc” không thể hiển thị kết quả với lý do “vi phạm luật, quy định và chính sách có liên quan”. Cộng đồng mạng bèn “lách luật” bằng cách sử dụng từ đồng nghĩa từ viết tắt cho cụm “lăng mạ Trung Quốc” để tiếp tục công kích bộ phim.

Từ hy vọng có thể kiếm bộn tại Trung Quốc, Monster Hunter rơi vào cuộc tranh cãi không nhà sản xuất nào mong muốn. Ảnh: Total Film.

Từ hy vọng có thể kiếm bộn tại Trung Quốc, Monster Hunter rơi vào cuộc tranh cãi không nhà sản xuất nào mong muốn. Ảnh: Total Film.

Những bài đăng ủng hộ Monster Hunter, cho rằng clip không cho thấy rõ sự phân biệt chủng tộc, cũng bị gỡ xuống.

“Lời thoại xuất phát từ miệng của người gốc Trung Quốc, thì theo cách người da đen gọi nhau là 'nigg*', đó không phải là phân biệt chủng tộc”. “Thật phi logic khi nói người Mỹ gốc Hoa miệt thị người Trung Quốc”. Đây là hai trong số những bình luận trên Free Weibo - nơi lưu trữ các bài đăng bị kiểm duyệt.

Đối phó với việc bị kiểm duyệt trên mạng xã hội, nhiều khán giả Trung Quốc đồng tình với quan điểm: “Dù xóa hết bài đăng khỏi trên trang web, họ cũng không thể ngăn chặn được sự phẫn nộ đang trào dâng của khán giả”.

Trạch Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-nguoi-trung-quoc-noi-gian-voi-tho-san-quai-vat-post1160275.html