Tại sao sốt xuất huyết gây đau nhức cơ thể dữ dội, làm thế nào để giảm đau?
Sốt cao, đau nhức cơ thể, mệt mỏi... là những triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết, đặc biệt trong mấy ngày đầu. Vậy có cách nào làm dịu cơn đau này?
1. Tại sao sốt xuất huyết lại đau nhức cơ thể dữ dội?
PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú - Giám đốc Trung tâm Quốc tế Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốt xuất huyết là do virus gây nên, do đó về mặt bản chất các bệnh do virus gây nên thì khởi đầu đều có các triệu chứng giống nhau, đó là sốt.
Tuy nhiên sốt trong bệnh sốt xuất huyết có những điểm khác so với các bệnh khác do virus khác gây ra. Trong vòng 1-3 ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ sốt rất cao. Trong quá trình sốt, mỗi lần hạ sốt sẽ vã mồ hôi. Trong dịch mồ hôi bao gồm cả nước và điện giải sẽ khiến bệnh nhân mất đi cả 2 loại chất này trong cơ thể nên rất mệt mỏi.
Ngoài ra, bản thân sốt cao đã làm cho máu cô đặc, tăng hematocrit sẽ khiến khả năng chuyển tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như não sẽ kém. Đó chính là một trong những lý do mà khi mắc sốt xuất huyết chúng ta thường thấy đau đầu, đau người dữ dội...
Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều địa phương. Nếu đột nhiên thấy mình bị sốt cao, kèm theo các triệu chứng đau như trên... thì nên nghĩ ngay đến việc đã mắc sốt xuất huyết.
2. Cách giảm đau nhức khi bị sốt xuất huyết
Hiện chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, mà chỉ có điều trị hỗ nhằm giúp bệnh nhân vượt qua sốt và kiểm soát biến chứng. Trong đó việc dùng thuốc hạ sốt giảm đau là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu nêu trên.
Để hạ sốt, giảm đau trong sốt xuất huyết, chỉ dùng paracetamol theo khuyến cáo của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Tuyệt đối không dùng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt, đau nhức cơ thể... vì các thuốc này có tác dụng làm giảm tiểu cầu. Bản thân sốt xuất huyết đã gây giảm tiểu cầu rồi, nếu chúng ta lại đưa một yếu tố gây giảm nữa sẽ làm giảm tiểu cầu nặng. Tùy theo mức độ giảm của tiểu cầu sẽ gây ra các biến chứng xuất huyết, thậm chí là xuất huyết rầm rộ rất nguy hiểm. Thậm chí khi người bệnh vượt qua được giai đoạn nguy hiểm thì đến giai đoạn hồi phục vẫn còn có nguy cơ sốc nếu giai đoạn điều trị không tốt, PGS.TS.BS.Trần Thanh Tú cảnh báo.
Ngoài việc dùng thuốc hạ sốt giảm đau, để giảm bớt đau nhức người và các triệu chứng khác của sốt xuất huyết, có thể áp dụng những cách sau:
- Người bệnh sốt xuất huyết cần được nghỉ ngơi hợp lý, môi trường thoáng mát.
- Bổ sung các thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu protein như cháo thịt nạc, canh súp, bổ sung vitamin C, vitamin B1... Không nên ăn thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ, sẫm màu vì dễ gây nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa do đi ngoài phân có thể sẫm màu, tránh thức ăn có nhiều dầu mỡ.
- Bù nước, điện giải bằng đường uống từ oresol pha đúng tiêu chuẩn, bổ sung nước trái cây, nước lọc, sinh tố...
Ngoài ra, có thể giúp hạ nhiệt cơ thể bằng cách uống thuốc hạ sốt kết hợp lau người bằng nước ấm (không dùng nước lạnh) ở các vị trí nách, bẹn, các nếp gấp… Khi người bệnh được hạ sốt cùng với việc chăm sóc tốt và bổ sung dinh dưỡng, vitamin, nước đầy đủ cũng giúp giảm đau rất nhiều.
3. Những điều cần lưu ý khi bị sốt xuất huyết
- Cho người bệnh sốt xuất huyết mặc quần áo rộng, thoáng mát, thấm mồ hôi. Không đắp chăn hay mặc nhiều quần áo sẽ hạn chế việc tỏa nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn, cơn đau sẽ nhiều hơn.
- Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ngày.
- Theo dõi số lượng nước tiểu mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy.
- Chú ý tình trạng tri giác: Tỉnh táo hay kích thích, lơ mơ và tình trạng xuất huyết nếu có (chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đại tiện ra máu hoặc có phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu)... Kịp thời báo cho nhân viên y tế khi có các dấu hiệu chảy máu: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen, tri giác lơ mơ…
- Trình các thuốc đang sử dụng tại nhà để bác sĩ theo dõi, nhất là những bệnh nhân đang phải dùng thuốc chống đông máu mà mắc sốt xuất huyết thì rất để ý vấn đề dùng thuốc.
- Không dùng kháng sinh khi mắc sốt xuất huyết vì kháng sinh không điều trị được bệnh mà còn làm gia tăng các nguy cơ gây hại cho gan, thận...
- Trong thời gian mắc sốt xuất huyết, nên súc họng bằng nước muối hoặc nước súc họng. Không nên dùng bàn chải đánh răng để hạn chế tổn thương dễ gây xuất huyết, cho đến khi có hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Ngủ màn để đề phòng muỗi đốt, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.
- Khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, nên đến các cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị. Tùy vào từng giai đoạn bệnh cũng như mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên điều trị tại nhà hay là phải nhập viện để theo dõi và điều trị.