Tái tạo khuôn mặt tuyệt đẹp của người phụ nữ giàu có, nổi tiếng Trung Âu

Khuôn mặt của một phụ nữ sống ở Trung Âu cách đây gần 4.000 năm đã được tái tạo từ hộp sọ và dấu tích ADN của cô sau khi các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Séc.

Tái tạo hình ảnh người phụ nữ thời đồ đồng ở châu Âu từ bộ xương sọ và các di vật tìm thấy trong ngôi mộ vừa được khai quật ở Séc.

Tái tạo hình ảnh người phụ nữ thời đồ đồng ở châu Âu từ bộ xương sọ và các di vật tìm thấy trong ngôi mộ vừa được khai quật ở Séc.

Các nhà khoa học đã tái tạo chính xác hình ảnh người phụ nữ từ bộ xương sọ được tìm thấy ở Mikulovice gần Pardubice, Cộng hòa Séc. Người phụ nữ này có nước da sáng, tóc nâu và mắt nâu, đôi mắt mở to, chiếc cằm đặc biệt, dáng người nhỏ hơn, được trang điểm bằng đồ trang sức bằng đồng và vàng cùng một chiếc vòng cổ màu hổ phách tuyệt đẹp.

Người phụ nữ này được chôn cất với năm chiếc vòng tay bằng đồng, hai chiếc hoa tai bằng vàng và một chiếc vòng cổ ba dây với hơn 400 hạt hổ phách. Cùng với đó là ba chiếc kim châm bằng đồng. Người phụ nữ này là hiện thân một phần của nền văn hóa Únětice, một nhóm các dân tộc từ đầu thời kỳ đồ đồng ở Trung Âu nổi tiếng với các đồ tạo tác bằng kim loại, bao gồm đầu rìu, dao găm, vòng tay và vòng cổ bằng kim loại xoắn được gọi là torcs.

Nhà khảo cổ học Michal Erneé thuộc Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc cho biết, dù không rõ người phụ nữ đó là ai, nhưng đó là người rất giàu có.

Erneé nói: “Đó có thể là ngôi mộ phụ nữ giàu có nhất trong toàn bộ vùng văn hóa Úntice.”

Sự giàu có và thương mại

Người phụ nữ này được xác định sống từ năm 1880 trước Công nguyên đến năm 1750 trước Công nguyên, theo phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ từ bộ xương tìm thấy.

Bộ xương của người phụ nữ này được tìm thấy ở nghĩa địa gần làng Mikulovice ở phía bắc Cộng hòa Séc, phía Bắc Cộng hòa Séc. Khu vực này và các khu vực xung quanh được gọi là Bohemia bởi vì chúng bao gồm một vương quốc có tên như vậy trước Thế chiến thứ nhất. 27 ngôi mộ trong nghĩa trang được chứng minh là một kho tàng hiện vật đáng chú ý, bao gồm khoảng 900 đồ vật bằng hổ phách.

Erneé nói: “Chúng tôi tìm thấy hổ phách trong 40% số mộ phụ nữ, điều này có nghĩa là, có nhiều hổ phách ở nghĩa trang này hơn tất cả các ngôi mộ của Únětic ở Đức. Có hai khu vực lân cận một nền văn hóa khảo cổ học, nhưng hệ thống xã hội có lẽ không giống nhau.”

Hổ phách có thể là một trong số những đồ trang sức quý được ca ngợi từ vùng Baltic. Nó cho thấy rằng, những người Únětic đã hình thành một phần của mạng lưới thương mại rộng khắp ở châu Âu vào thời điểm đó.

Erneé cho biết thêm, các đồ vật bằng đồng do người châu Âu đương thời cũng cho thấy sự tinh vi của thương mại thời kỳ đồ đồng. Các đồ vật bằng đồng được tìm thấy trên khắp châu Âu, nhưng nguyên liệu thô cho đồng, thiếc và đồng chỉ đến từ một số vùng.

Trong số những bộ xương được tìm thấy ở nghĩa trang gần Mikulovice, người phụ nữ đeo hổ phách có hộp sọ được bảo quản tốt nhất. Erneé nói, thật là một sự trùng hợp may mắn khi ngôi mộ giàu có nhất cũng có những bộ xương như vậy.

Rất may, xương được bảo quản tốt, đủ để vẫn còn chứa các mảnh ADN của người phụ nữ này . Các trình tự di truyền đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra mắt và tóc của cô ấy có màu nâu và làn da của cô ấy màu trắng. Nhà nhân chủng học Eva Vaníčková của Bảo tàng Moravian ở Brno và nhà điêu khắc Ondřej Bílek đã hợp tác để làm mô hình phần thân của người phụ nữ.

Quần áo và phụ kiện của người phụ nữ được tái tạo dựa trên nền tảng khoa học của Ludmila Barčáková thuộc Viện Khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học, người đã tái tạo vòng cổ hổ phách và hoa tai bằng vàng. Thợ kim loại Radek Lukůvka tái tạo vòng tay và kim bằng đồng, và Kristýna Urbanová, một nhà khảo cổ học chuyên về dệt may, thiết kế trang phục cho phụ nữ.

Nghĩa trang cũng có thể cung cấp manh mối mới về sự khác biệt giữa các khu vực ở Trung Âu thời kỳ đồ đồng sớm. Erneé cho biết, ở các vùng lân cận của Bohemia, những ngôi mộ giàu có được tìm thấy đều là của đàn ông.

Ông nói, không rõ liệu phụ nữ có địa vị khác ở khu vực gần Mikulovice ngày nay hay không. Có thể phụ nữ ở đây kiểm soát của cải nhiều hơn phụ nữ ở các khu vực lân cận, nhưng cũng có thể họ được chôn cất của cải để phô trương sự giàu có của gia tộc.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tai-tao-khuon-mat-tuyet-dep-cua-nguoi-phu-nu-giau-co-noi-tieng-trung-au-post1447309.tpo