Tái thiết nền kinh tế sau bão lũ - những biện pháp trước mắt và lâu dài

Để tái thiết nền kinh tế sau bão lũ, trong ngắn hạn, Chính phủ cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng trong dài hạn, cần lấp đầy khoảng trống của thị trường bảo hiểm và thực hiện nhiều giải pháp quan trọng khác - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ với báo chí.

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Hướng đến những địa phương còn nhiều khó khăn

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6% năm 2024 và nhích lên 6,2% năm 2025. Dự báo này thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra từ đầu năm nay. Theo ông Nguyễn Bá Hùng, mặc dù nền kinh tế những tháng cuối năm 2024 được nhận định là gặp nhiều khó khăn hơn nhưng ngay cả trong trường hợp tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 6% thì so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất.

“Do vậy, điều Việt Nam cần quan tâm hơn là chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng phải mang tính bền vững, bao trùm”- ông Hùng khuyến nghị, đồng thời dẫn chứng: Trong quá trình phục hồi của xuất nhập khẩu, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được nhân công quay lại làm việc, tạo thu nhập cho nhóm yếu thế hơn. Bên cạnh đó, quyết định tăng lương trong khu vực công của Chính phủ vào tháng 7 vừa qua cũng giúp người dân có được nguồn thu nhập tốt hơn để nâng cao đời sống.

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương tạo động lực tăng trưởng mới và cơ hội bình đẳng hơn cho các địa phương. Theo đó, ngoài hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cơ chế đặc thù cũng đã được thiết lập cho Đà Nẵng với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực miền Trung.

Đi kèm với các giải pháp phục hồi kinh tế vĩ mô, một trong những cơ hội thúc đẩy tăng trưởng chính là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát triển thêm hạ tầng, đặc biệt là kết nối các địa phương đang kém phát triển hơn với các cực tăng trưởng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để tạo ra sự lan tỏa, bao trùm hơn, giúp nhiều đối tượng, nhiều nhóm dân cư được hưởng lợi tốt hơn từ tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta có thể tái thiết tốt hơn nữa để tạo động lực mới, tạo cơ hội tăng trưởng tốt hơn cho các địa phương đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB

Bão số 3 vừa rồi khiến các tỉnh miền núi phía Bắc vốn đã gặp nhiều khó khăn bị thiệt hại nặng nề. “Đây là điểm cần lưu ý để trong quá trình phục hồi, chúng ta có thể tập trung nguồn lực cho các tỉnh này, giúp họ không những trở lại như trước mà còn có cơ hội làm tốt hơn trước đây. ” – ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.

Các biện pháp trước mắt và dài hạn

Cũng theo ông Nguyễn Bá Hùng, để phục hồi sau thiên tai, tái thiết nền kinh tế, trong ngắn hạn, nguồn lực huy động tốt nhất và có thể kiểm soát được chính là nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Ảnh: Thành Đức

Chính phủ đã có định hướng cho việc phục hồi sau bão lũ với 6 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp liên quan đến phục hồi sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết, trong ngắn hạn, biện pháp chủ yếu đối với các vùng bị ảnh hưởng sẽ tập trung vào việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, các chất tẩy rửa để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường sau thiên tai. Tiếp đến là phục hồi lại sản xuất kinh doanh, trong đó chủ yếu phục hồi sản xuất nông nghiệp. Chúng ta phải đánh giá được mức độ mất mát của mùa màng để có các biện pháp cụ thể, phù hợp.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB

Còn trong dài hạn, ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị Chính phủ cần có những định hướng cho việc phát triển các thị trường liên quan, chẳng hạn như phát triển thị trường bảo hiểm.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm cũng như việc sử dụng các dịch vụ bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn những khoảng trống, chúng ta chưa có bảo hiểm mùa màng và bảo hiểm tài sản công. Ví dụ, nếu toàn bộ hệ thống hạ tầng của các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua có bảo hiểm tài sản công thì nguồn lực từ bảo hiểm đó sẽ đóng góp tích cực vào việc phục hồi tài sản công. Mặt khác, khi thị trường bảo hiểm phát triển đến mức độ cao, lúc đấy, tài sản cá nhân cũng sẽ được bảo hiểm hơn.

Cho rằng phát triển thị trường bảo hiểm không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai” nhưng từ đợt bão lũ vừa qua, ông Hùng nhận thấy cơ hội để Việt Nam mở rộng và phát triển thị trường bảo hiểm. “Khi dự kiến nguồn ngân sách bảo dưỡng, vận hành tài sản công, Chính phủ cũng nên cân nhắc dành một khoản kinh phí nhất định cho bảo hiểm tài sản công để dự phòng những tình huống tương tự như đợt bão, lũ vừa qua” - ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị.

Một vấn đề nữa là hiện nay, để tái thiết nền kinh tế sau bão, lũ, Chính phủ đang kêu gọi sử dụng các nguồn dự phòng của ngân hàng. Đấy là nguồn mà ngân hàng có thể huy động được trong ngắn hạn. Về dài hạn, chúng ta có thể khuyến khích hệ thống ngân hàng đưa ra các sản phẩm, các biện pháp hỗ trợ, chẳng hạn như là giãn nợ, cung cấp các khoản tín dụng mới bổ sung để giúp doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng lưu ý, các biện pháp này cũng cần phải đảm an toàn của cả hệ thống ngân hàng.

Tiếp tục thu hút FDI

Một động lực rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông Nguyễn Bá Hùng nhận định: FDI của Việt Nam trong mấy năm gần đây có kết quả rất tốt và đặc biệt là trong và sau Covid.

Chuyên gia kinh tế của ADB khá lạc quan về triển vọng thu hút FDI trong thời gian tới bởi hiện nay, các chuỗi sản xuất trên thế giới có sự điều chỉnh do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc mấy năm vừa qua sụt giảm và điều này có nghĩa các nhà đầu tư trên thế giới đang tìm kiếm những điểm đến ngoài Trung Quốc để họ mở rộng sản xuất, ví dụ như khu vực Đông Nam Á. Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển dịch chung đó.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam và các nước trong khu vực đều đang phải cạnh tranh để thu hút được các nguồn đầu tư nước ngoài, bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn vào những điểm mạnh, những lợi thế của quốc gia để quyết định đầu tư. Có thể thấy, trước hết, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng, trong đó có việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đó là điều thuận lợi để thu hút FDI.

Thứ hai, ngoài việc cải thiện các quy trình về cấp phép, quản lý nhà nước, thời gian qua, Việt Nam đã khai thác được lợi thế hạ tầng. Thứ ba là nguồn nhân lực, trước đây, Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ nhưng bây giờ, lợi thế đó không được bền vững. Do đó, để thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là những ngành công nghệ cao, chúng ta sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều mà Việt Nam đã thực hiện nhưng trong thời gian tới, phải có giải pháp mạnh hơn nữa.

Cuối cùng, điều quan trọng nữa là cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào các chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới./.

THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tai-thiet-nen-kinh-te-sau-bao-lu-nhung-bien-phap-truoc-mat-va-lau-dai-35084.html