Tài trợ cho hoạt động quy hoạch và những hệ lụy

Góp ý vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng qua, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu tương đối đầy đủ, xác đáng các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, còn một vài nội dung ông băn khoăn, trong đó vấn đề lớn nhất là việc tài trợ cho công tác quy hoạch.

Tiếp nối tinh thần của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, Điều 10 của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí, hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch.

Theo ông Lâm, chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực tài trợ cho các hoạt động của Nhà nước nhìn chung đã góp phần làm giảm gánh nặng của ngân sách và nâng cao hiệu quả các hoạt động này. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, các nhà đầu tư thông qua hoạt động tài trợ đã tác động vào quy hoạch, “lái” theo lợi ích của nhà đầu tư, làm giảm lợi ích của cộng đồng và xã hội. Đặc biệt ở phần quy hoạch chi tiết, các địa phương hầu như không dành kinh phí cho hoạt động này mà chỉ trông chờ vào các nhà tài trợ, mà các nhà tài trợ chủ yếu lại là các nhà đầu tư sau này sẽ có các dự án ở trong các quy hoạch chi tiết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

“Tôi chưa có số liệu chính xác nhưng qua khảo sát thì phần lớn các quy hoạch chi tiết dùng ngân sách của tài trợ và gần như những nhà tài trợ nào tài trợ cho các dự án quy hoạch chi tiết thì sau này có các dự án trúng được đấu thầu ở trong quy hoạch đó. Vấn đề này đặt ra khả năng thông qua hoạt động tài trợ, các nhà đầu tư đã can thiệp vào quy hoạch, làm mất đi tính khách quan, làm giảm lợi ích của cộng đồng trong vấn đề xây dựng các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết”, ông Lâm nói.

Ngoài ra, còn có tình trạng khi nhà thầu này đã tài trợ dự án cho quy hoạch này thì các nhà thầu khác tránh, không tham gia đấu thầu những dự án đó nữa. Tình trạng “xí phần” đó gần như triệt tiêu hiệu quả của đấu thầu, khiến dư luận nhân dân bức xúc.

Vài ba năm trước - khi các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh việc lập quy hoạch tỉnh và có những doanh nghiệp đã ký cam kết tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng đô thị và các khu du lịch, những hệ lụy không mong muốn khi các nhà đầu tư tài trợ cho công tác quy hoạch cũng đã từng được bàn thảo. Như người ta thường nói, ai chi tiền người đó chi phối, nguy cơ lớn nhất là quy hoạch bị “lái” theo ý muốn của đơn vị tài trợ. Các doanh nghiệp có thể “nhân danh” việc tài trợ để điều chỉnh nội dung quy hoạch theo hướng có lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của mình. Trong một số trường hợp, điều này đồng thời mang lại lợi ích chung cho xã hội - nhưng số này có lẽ rất ít ỏi so với những trường hợp tác động tiêu cực đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Nếu không thể tác động được ở tầm chi phối như vậy, nhà đầu tư cũng có cơ hội tiếp cận sớm nhất các thông tin về quy hoạch để hoạch định cho các dự án của mình, sẽ tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh.

Nhận diện được các nhược điểm này, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định khoản tài trợ này không được thanh toán trực tiếp cho tổ chức tư vấn lập quy hoạch mà phải nộp vào ngân sách rồi chi trả theo các quy định về quản lý ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; tự nguyện, vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội, không vụ lợi… Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi, chỉ chung chung như vậy thôi thì không đủ để bảo đảm rằng nhà tài trợ không “nắn”, không “lái” quy hoạch theo ý của mình; dẫn đến bóp méo thậm chí triệt tiêu các quy tắc cạnh tranh tự do và lợi ích của người dân có thể bị xem nhẹ.

Vì thế, như Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm đề xuất, cần quy định chặt chẽ hơn, thậm chí cấm tài trợ cho công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết các dự án đô thị. Có như vậy mới ngăn ngừa được những hệ lụy đã nhắc tới ở trên.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/tai-tro-cho-hoat-dong-quy-hoach-va-nhung-he-luy-i386077/