Tài xế nhờ khách hủy chuyến để gian lận, nên trách hãng xe 'tận thu'
Chuyện tài xế nhờ hủy chuyến để không trả phí sử dụng app rõ ràng là sai, nhưng lỗi cũng ở mức chiết khấu 'tận thu' của các hãng xe khiến họ quá thiệt thòi.
Nhiều người quen của tôi chia sẻ bài viết "Ức chế khi tài xế công nghệ liên tục yêu cầu hủy chuyến để ăn chặn tiền" và tranh luận sôi nổi với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, người chỉ trích, kẻ thông cảm cho những tài xế có hành vi gian lận đó. Tôi từng gặp tình huống này và giống như tác giả, cũng cảm thấy khó xử vì không đồng tình với chuyện giả vờ hủy chuyến nhưng cũng thấy thương và muốn giúp tài xế.
Tôi đồng ý với tác giả bài viết rằng chúng ta không nên giúp đỡ bằng cách tiếp tay cho sự gian lận, và khi làm như thế, chính chúng ta cũng đang gian lận. Chuyện tài xế tiếp cận được khách hàng nhờ ứng dụng nhưng lại không thực hiện giao kèo chia sẻ lợi ích là sai. Tuy nhiên, để xóa bỏ tình trạng không tốt đẹp này, ngoài việc phê bình hay chỉ ra cái sai của họ, có lẽ cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao rất nhiều tài xế làm thế.
Tài xế chở tôi hôm qua cho biết, anh đã định bỏ nghề nhưng rồi vẫn cố chạy trong tình trạng cực chẳng đã vì chưa tìm được cách mưu sinh mới: "Không làm thì chết đói mà làm thì thu nhập quá bèo. Qua nhiều lần tăng, giá xăng đã cao hơn trước cả chục nghìn đồng trong khi giá cước chỉ nhích lên chút xíu, hãng vẫn giữ mức chiết khấu cao".
Anh tài xế này nhận chở tôi không qua ứng dụng. Sau khi gọi xe bằng cả hai app đều không ai nhận cuốc, tôi đang đi bộ trên vỉa hè thì thanh niên mặc đồng phục của một hãng xe công nghệ chạy qua mời chào. Sau khi đưa ra mức giá, anh chứng minh mình không hề lấy đắt bằng cách bảo tôi thử đặt chuyến trên app để so giá tiền.
Trên đường đi, anh tâm sự: "Số tiền mà em nhận được từ mỗi cuốc xe sau khi trừ hết chi phí ngày càng ít. Xăng tăng giá thì chỉ mỗi bọn em thiệt chứ hãng cứ ngồi yên ăn chừng ấy chiết khấu, có phải bỏ ra thêm đồng nào đâu. Hồi trước em hay nhờ khách nhấn hủy chuyến trên app để không phải trả phần trăm cho hãng, nhiều khách thông cảm nên đồng ý, có người sợ hủy chuyến thì không an toàn nên cho em thêm 10 nghìn, 20 nghìn đồng. Có hôm em bị một khách mắng là đồ trộm cướp, buồn quá nên sau đó không nhờ hủy nữa. Em tắt app tự tìm khách trên đường, nhưng khi ế thì cũng vẫn phải bật app để kiếm cuốc".
Báo chí những ngày qua cũng phản ánh tình trạng nhiều tài xế công nghệ tắt app tự tìm khách và thỏa thuận giá cả theo cách của xe ôm truyền thống trước kia. Rõ ràng việc tự tìm khách không thể dễ dàng như sử dụng công nghệ, nhưng người ta vẫn chấp nhận vì không chịu nổi tỷ suất "ăn chia" quá thiệt thòi.
Đừng tưởng tài xế nhận được 60 - 70% số tiền cước niêm yết, vì số tiền đó bao gồm cả chi phí xăng và xe (mua xe, sửa chữa, bảo dưỡng, thay dầu...), vốn chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vào giờ cao điểm tắc đường, tiền cước mà khách phải trả tăng vọt, hãng được lợi gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, nhưng tài xế thì không vì thời gian họ dành cho cuốc xe đó dài gấp rưỡi, gấp đôi, hao mòn xe tăng, sự căng thẳng và lượng khói độc hít vào phổi cũng tăng nhiều lần. Đó là lý do dù giá cước những chuyến đó rất cao nhưng nhiều tài xế không muốn nhận.
Trong câu chuyện này, không chỉ tài xế thất thu mà khách hàng cũng chịu thiệt khi khó tìm phương tiện, và nếu kéo dài thì cả hãng công nghệ cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng tài xế gian lận bằng cách nhờ khách "vờ" hủy chuyến, hay khách tiếp tay cho gian lận với sự đồng ý của mình sẽ kéo theo nhiều hệ hụy cả về đạo đức xã hội lẫn môi trường kinh doanh.
Vì thế, bên cạnh việc tài xế và khách hàng cần cư xử văn minh, tôn trọng các giao dịch, các hãng xe công nghệ cũng nên xem lại về việc phân chia lợi ích, đừng vì tận thu lợi nhuận mà đẩy hết thiệt thòi cho tài xế.
(*) Ý kiến độc giả không nhất thiết trùng với quan điểm của VTC News.