Tấm bánh nghĩa tình trường ĐH Đại Nam: Những trải nghiệm và bài học quý không giáo trình nào có thể dạy
Ngoài việc thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách còn là sự tri ân những giá trị của cuộc sống, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để thế hệ trẻ tìm về cội nguồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó hun đúc tình yêu, niềm tự hào dân tộc và tinh thần học tập, cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước… Đó là thông điệp của chương trình Tấm bánh nghĩa tình 2024 – Trở lại Tết xưa của trường Đại học Đại Nam (DNU).
Tấm bánh nghĩa tình - 13 năm miệt mài “gieo hạnh phúc, trao yêu thương”
Hoa hậu Lương Thùy Linh – giảng viên trợ giảng của trường Đại học Đại Nam cùng sinh viên gói bánh mang Tết về cho những hoàn cảnh kém may mắn.
Tấm bánh nghĩa tình là một trong những hoạt động thiện nguyện truyền thống của trường Đại học Đại Nam. Dù đã bước sang năm thứ 13 nhưng chương trình vẫn luôn được mong đợi và có sức lan tỏa sâu sắc trong cộng đồng xã hội. Đến năm 2024, chương trình Tấm bánh nghĩa tình đã huy động được 18.000 lượt thầy cô và sinh viên tham gia thực hiện; quyên góp được hơn 3 tỷ đồng; trao tặng gần 30.000 chiếc bánh chưng xanh đến các hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.
Từng tấm bánh, phần quà được thầy, cô Đại học Đại Nam trân trọng trao gửi tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn.
Điểm đến của chương trình Tấm bánh nghĩa tình năm nay là: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn; Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên; Trại phong Quả Cảm – Bắc Ninh; người vô gia cư, người già neo đơn, trẻ em mồ côi; các gia đình thương binh, liệt sĩ, hộ nghèo thuộc phường Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông – Hà Nội),…
Trở lại Tết xưa – văn hóa còn, dân tộc còn
Chia sẻ về chương trình Trở lại Tết xưa, cô Cao Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho biết: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Thông qua việc tái hiện không gian văn hóa Tết xưa, Nhà trường mong muốn giúp sinh viên Đại Nam nói riêng và lớp trẻ nói chung hiểu sâu thêm về văn hóa dân tộc, có bổn phận và trách nhiệm phổ biến cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đó bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn”…”.
Màn trình diễn Việt cổ phục ấn tượng trong không gian chợ quê ấm cúng ngay tại sân trường của thầy trò DNU.
Một trong những điểm nhấn của chương trình Trở lại Tết xưa là màn trình diễn Việt cổ phục “đỉnh cao” của thầy, trò trường Đại học Đại Nam.
Nguyễn Thành Đạt - Khoa Y chia sẻ: “Khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc và sải bước trên sàn catwalk, em cảm thấy vô cùng tự hào, cảm giác như được quay về thời xa xưa. Đặc biệt, em được tìm hiểu về ý nghĩa của từng bộ Việt phục, từ đó yêu và trân trọng hơn nét đẹp văn hóa cổ truyền…”.
Với hoạt động “Trở lại Tết xưa”, trường Đại học Đại Nam đã đưa thầy cô và sinh viên “ngược dòng thời gian” khám phá nét đẹp Tết xưa 03 miền Bắc – Trung – Nam. Qua cách bày trí, tái hiện không gian Tết xưa của những phiên chợ quê từ nông thôn đến miền núi của từng gian trại, từng sản vật được bày bán đã thể hiện được tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Đặc biệt, mâm cơm Tết xưa 03 miền với những món ăn truyền thống một lần nữa gợi nhắc thầy trò Đại Nam về sự sum vầy; cầu chúc cho một năm mới đủ đầy, ấm no, hạnh phúc.
Sum vầy bên mâm cơm truyền thống Tết xưa 03 miền.
Tại chương trình, các bạn sinh viên còn được xin chữ ông Đồ; trở lại tuổi thơ với các trò chơi dân gian truyền thống: Kéo co, ném còn, ô ăn quan, nhảy dây, nhảy sạp, rồng rắn lên mây… Những hoạt động này không chỉ tạo không khí sôi động cho chương trình mà còn giúp các bạn trẻ được trở về với nguồn cội, với lịch sử Việt Nam để cùng chia sẻ và trân trọng hơn các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trở lại tuổi thơ cùng các trò chơi dân gian...
Phùng Vũ Thế Tài – sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh chia sẻ: “Trực tiếp trải nghiệm, cảm nhận các giá trị văn hóa, em thấy vô cùng tự hào, bản thân cần phải có trách nhiệm bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc bởi văn hóa còn thì dân tộc còn…”.