Tâm huyết với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn ÐảngTôi hết sức tâm đắc với những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng

Tôi hết sức tâm đắc với những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

Trong đó, đặc biệt là quan điểm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực triển khai hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức kiểm tra sát hạch cán bộ diện được quy hoạch trước khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Ði đôi với đó là những hành lang pháp lý, cơ chế giám sát từ xa, như: tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa; quy định về trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu… Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống… đã tiếp tục củng cố tổ chức đảng, lãnh đạo toàn diện công cuộc phát triển kinh tế.

Những trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho thấy, mỗi Ðảng bộ càng phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh. Vận dụng những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu ra trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bắc Kạn đang tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các điều kiện cho Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12, trong đó, lấy phát huy dân chủ, sự đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ từ quá trình chuẩn bị đến khi tổ chức là điều kiện quyết định; tập trung chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy. Trong giai đoạn tới, Bắc Kạn tiếp tục kiên trì khâu đột phá là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản.

Hoàng Duy Chinh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Quan tâm nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân

Đọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân, tôi rất thấm thía và tâm đắc về đánh giá kết quả của Ðại hội XII trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, củng cố an ninh - quốc phòng và phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Ðại hội XIII. Ðó là những đánh giá đúng đắn, khoa học, sát thực tế, nhất là trong việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn sắp tới.

Trong các bài học và kinh nghiệm rút ra từ Ðại hội XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong mọi công việc của Ðảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Theo tôi, đó chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đã làm nên thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước ta trong nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng vừa qua. Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, có đồng bào 25 dân tộc chung sống, trong đó hơn 80% là dân tộc thiểu số, vì vậy tỉnh Lào Cai đã xây dựng bốn chương trình trọng tâm, với 19 đề án hướng mạnh về cơ sở, về đồng bào các dân tộc ở địa bàn vùng cao, vùng sâu, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ xóa nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho nhân dân nơi đây. Trong nhiệm kỳ qua, tại tỉnh Lào Cai có ba huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, được thụ hưởng Chương trình 30a của Ðảng và Chính phủ, với nguồn vốn xây dựng hạ tầng và hỗ trợ trực tiếp cho người dân lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, MTTQ và chính quyền cùng hệ thống đoàn thể các cấp, từ tỉnh đến xã thực hiện nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả đầu tư, đúng, trúng, thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững; mỗi năm có hàng trăm hộ tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Ðọc bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tôi càng đồng tình và tâm đắc hơn với hai ý là "dân giám sát, dân thụ hưởng", như vậy mới đầy đủ và hoàn chỉnh, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực tế ở Lào Cai đã phát huy khá tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vai trò giám sát của nhân dân ở xã, thôn, bản còn mờ nhạt, chưa cụ thể; việc thụ hưởng của người dân có lúc, có nơi chưa được tính toán đầy đủ, chưa được đặt lên hàng đầu, vì thế có những công trình, nhất là thủy lợi, nước sạch, chợ nông thôn còn lãng phí, không hiệu quả. Từ quan điểm, nguyên tắc này, văn kiện chính trị của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ được bổ sung, hoàn chỉnh để làm phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng, nhằm xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh khá ở miền núi phía bắc. Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, với những giải pháp chiến lược then chốt, đồng bộ, lấy dân làm gốc, đất nước ta sẽ đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như bài viết đã nêu.

Nông Ðức Ngọc

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai

Xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Rất nhiều thay đổi lớn diễn ra từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Quan hệ giữa các quốc gia nhiều trường hợp có sự thay đổi, chuyển biến nhanh chóng bất ngờ. Ðất nước ta kỷ niệm 75 năm Quốc khánh trong bối cảnh đó. Ðúng lúc này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", đánh giá, nhận định những vấn đề lớn, mục tiêu lớn của đất nước. Ðọc bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, tôi cảm thấy vững tin vào đường lối đối ngoại rõ ràng, kiên định và tự tin hơn với vị thế và cơ đồ đất nước.

Bài viết nhận định rõ, hoạt động đối ngoại không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Quả thực, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế là một trong những thành tựu nổi bật của nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nước nhược tiểu, bị bao vây, cấm vận sau năm 1975, đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, nhiều nước lớn. Ngày càng nhiều quốc gia muốn hợp tác làm ăn lâu dài với Việt Nam, chính trị gia, doanh nghiệp, khách quốc tế tìm đến Việt Nam như tìm đến với bạn bè, đối tác tin cậy.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhiều quốc gia phải đóng cửa với bên ngoài, thì hoạt động ngoại giao của nước ta vẫn sôi động, hiệu quả. Thậm chí qua đại dịch này, vị thế của nước ta một lần nữa được khẳng định, qua việc ủng hộ, giúp đỡ vật tư y tế phòng, chống dịch cho các nước bạn, qua các hội nghị cấp cao trực tuyến, qua các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo cấp cao các nước. Ngoại giao đóng góp không nhỏ trong hoạt động bảo hộ công dân, nhất là những công dân bị ảnh hưởng đại dịch.

Ðường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Ðảng và Nhà nước, cùng với sự chủ động, nhạy bén của các lực lượng làm công tác đối ngoại đã tiên phong, mở đường cho sự hợp tác và phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng. Những năm tới, đứng trước một thế giới không ngừng thay đổi, nhưng chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào đường lối ngoại giao đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, theo đúng định hướng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên là: Xây dựng nền ngoại giao hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Ðại tá, PGS, TS HÀ NGỌC QUỲNH

(Ngõ 32,đường Nguyễn Hoàng Tôn, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tam-huyet-voi-chi-dao-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-615479/