Tấm lòng cô giáo vùng cao

Bám bản, bám trường là công việc quen thuộc với những giáo viên mầm non, tiểu học ở huyện vùng cao Na Hang. Ở đây, cuộc sống và cả công tác chuyên môn của giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ mới giúp các cô vượt qua mọi khó khăn, chia sẻ ngọt bùi cùng các em nhỏ.

1. Điểm trường Nà Sảm cách trung tâm xã Sơn Phú (Na Hang) hơn 13 km, gồm cả khối mầm non và tiểu học. Học sinh ở đây chủ yếu là dân tộc Mông. Cứ sáng sớm, cô giáo Lương Thị Kim Oanh - Giáo viên trường Tiểu học Sơn Phú - lại chạy xe máy một vòng quanh thôn để đón từng đứa trẻ đến lớp học. Có em vẫn còn lấm lem mũi dãi, có em tóc chưa được chải gọn gàng... vẫn thun thút trèo lên xe, ôm chặt cô giáo Oanh để đến trường.

Oanh kể, mình vừa thi đỗ biên chế giáo viên năm 2019 thì được phân về điểm trường Nà Sảm dạy học. Trước khi về Na Hang, Oanh từng có một thời gian dạy học ở Hà Nội. Sự khác biệt giữa giáo dục ở Thủ đô với một điểm trường vùng cao, chỉ đến khi thực sự bắt tay vào giảng dạy, Oanh mới thấm thía. Nhưng cô không nề hà. Dạy lớp 1, cái tuổi mà lũ học trò vẫn chưa phân biệt được đâu là nền nếp, đâu là kỷ luật, kỷ cương, Oanh phải nương theo học sinh mà dạy. Lũ học trò chủ yếu là người Mông, có em ngồi vào lớp học vẫn chưa nói thạo tiếng Kinh, giờ ra chơi là các em “phát sóng ngắn” với nhau. Để hiểu được học trò của mình, Oanh ngồi lại lớp học, nghe từng tiếng từng từ để vừa học tiếng của các em, vừa dạy thêm các em tiếng Kinh để hiểu bài cho rõ, cho tốt.

Cô giáo Hoàng Thị Thu, trường mầm non Yên Hoa (Na Hang) trong một giờ dạy.

Cô giáo Hoàng Thị Thu, trường mầm non Yên Hoa (Na Hang) trong một giờ dạy.

Công việc thường ngày của Oanh là đón học sinh đến lớp thật sớm để có thời gian lau rửa lại mặt mũi, chân tay, chải lại mái tóc cho lũ trẻ. Tan học, cô giữ bọn trẻ lại để cắt tóc, tắm rửa rồi mới trả học sinh về nhà. Cô bảo, mình gốc là người Tày ở xã Xuân Tân - một xã đã nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang - di dân về Hàm Yên. Những thiếu thốn, vất vả một thời cắp sách đến trường Oanh vẫn nhớ như in. Giờ nhìn lũ học trò ở Nà Sảm, Oanh thấy lại hình ảnh mình ngày thơ dại. Cuối tuần, cô chạy xe về thị trấn Na Hang, đến nhà những người quen để quyên góp thêm quần áo về cho lũ trẻ con ở Nà Sảm. Bố mẹ Oanh ở Nhân Mục (Hàm Yên) nghe con kể chuyện, cũng vận động quanh xóm, nhà nào có quần áo, đồ dùng không dùng đến thì gom lại, rồi gửi xe khách ngược lên vùng cao để con chia cho học trò. Oanh chia sẻ, lương giáo viên mới ra trường như cô không cao, nhưng thi thoảng, Oanh trích lại năm bảy trăm nghìn đồng để mua thêm sách vở, đồ dùng học tập hỗ trợ những bạn học khá, những bạn quá khó khăn… để các em có động lực đến trường.

Cùng điểm trường Nà Sảm, giáo viên khối mầm non cũng được ví như những người mẹ thứ 2 của học trò vùng đất này. Giống như cô giáo Lương Thị Kim Oanh, công việc mỗi ngày của cô giáo Hà Thị Nhật cũng tương tự. Cắt tóc, rửa mặt, tắm giặt rồi thêm đủ thứ việc giống như chăm con mọn, chăm sóc cho hơn 20 trẻ mầm non. Cô giáo Hà Thị Nhật cười khi chia sẻ về công việc của mình, Nhật bảo, đúng nghĩa ở đây là vừa dạy vừa dỗ, có bé đang học nhớ cha mẹ quá òa lên khóc, chực trốn khỏi lớp học bỏ về, cô Nhật lại phải bày trò, mang kẹo ra dỗ dành để các con ở lại.

2. Cô giáo Hoàng Thị Thu, giáo viên trường Mầm non Yên Hoa vẫn nhớ như in ngày này cách đây 10 năm, khi lần đầu tiên nhận việc ở điểm trường Nà Luông. Thu kể, mình là người thành phố, nghe đi nhận công tác ở xã Yên Hoa đã thấy xa xôi rồi, giờ lại đi bộ gần 20 km đường đất từ trung tâm xã đến điểm trường, cảm giác đi mãi chẳng thấy đến. Là giáo viên mầm non duy nhất của điểm trường, học trò chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Thu nhớ lại, suốt tháng đầu tiên, ngày nào chị cũng khóc, một phần vì nhớ nhà, một phần vì tủi thân. Ý nghĩ thường trực nhất trong đầu Thu thời điểm đấy là ý định bỏ việc, bỏ nghề về thành phố.

Nhưng rồi nhìn đám trò nhỏ ngày ngày vẫn cần mẫn đi bộ đến lớp, chẳng thấy bé nào kêu ca gì, chị xấu hổ quá lại dồn sức vào bám trường, bám bản, học cách làm nhiều đồ dùng học tập từ chính những nguyên liệu sẵn có ở Nà Luông, như búp bê, đồ chơi bằng tre, nứa… Rồi cả học tiếng của đồng bào, Thu cũng để ý học hỏi. Chị khoe, hết học kỳ đầu tiên là mình đã nghe hiểu được hầu hết tiếng Dao trong sinh hoạt hàng ngày, nhờ thế việc hiểu các em, dạy được các em cũng dần trở nên thuận tiện hơn. Học hỏi từ các giáo viên đi trước, học từ Internet, học từ chính đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào nơi mình bám trường, bám bản, sau năm đầu tiên bỡ ngỡ, liên tục những năm học tiếp theo, cô giáo Hoàng Thị Thu đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.

10 năm bám trường, bám bản, giờ thì Thu đã có gia đình. Cô con gái nhỏ 8 tuổi theo mẹ lên Yên Hoa từ khi vài tháng tuổi, giờ đã là học sinh lớp 2 ở trường Tiểu học Yên Hoa. Thu bảo, nhiều lúc cũng thương con thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa ở thành phố, nhưng vì chồng cũng thường xuyên vắng nhà, cũng không muốn con xa mẹ, nên mẹ con Thu khắc phục khó khăn, mỗi cuối tuần, lại khăn gói từ Yên Hoa về thành phố một lần.

Dạy học ở các điểm trường, quà 8-3, 20-10 hay 20-11 đôi khi chỉ là bó hoa dại học trò hái vội trên đường đến lớp hay là mớ rau rừng mà phụ huynh học sinh thi thoảng gửi lại để các cô giáo đổi bữa. Với những giáo viên trẻ như cô Oanh, cô Nhật, cô Thu, đằng sau những khó khăn, thiệt thòi ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em. Và với họ, không có món quà nào quý hơn, vô giá hơn là sự chuyên cần, tiến bộ của học trò mỗi ngày!.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tam-long-co-giao-vung-cao-136363.html