Tâm lý hơn thua khi họp lớp dịp Tết

Chúng ta khó tránh được cảm giác so sánh trước bạn bè trong những cuộc gặp mặt đầu năm. Muốn thoát áp lực, trước hết bạn cần khẳng định bản thân và biết mình cần gì.

Sau một năm làm việc chăm chỉ, Tết là dịp để chúng ta được vui chơi và tận hưởng, đoàn tụ gia đình cũng như gặp gỡ bạn bè.

Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta đang phải vật lộn để tỏ ra hạnh phúc đủ đầy, cảm giác bị thúc đẩy bởi "áp lực đồng trang lứa" (peer pressure), thường xuyên xảy ra trong những buổi họp lớp đầu năm.

"Áp lực đồng trang lứa" được định nghĩa trong Từ điển Cambridge là "áp lực mà bạn cảm thấy phải cư xử theo một cách nhất định vì bạn bè hoặc những người trong nhóm của bạn mong đợi điều đó".

Theo tác giả Nancy Waithira của tờ Nation, thời điểm ăn mừng, chúng ta thường đối mặt áp lực phải đáp ứng kỳ vọng xã hội. Với người trẻ, thật khó để cưỡng lại sức ép thành công của bạn bè.

Chúng ta sợ nếu họ không làm những điều giống người khác (có lương cao, thưởng Tết tốt, có người yêu hay lập gia đình đúng tuổi), họ có thể bị đẩy khỏi vòng tròn xã hội.

Tâm lý so sánh

Ai cũng có bạn bè đồng trang lứa: đồng nghiệp, những người trạc tuổi, có cùng sở thích và kinh nghiệm, tham gia cùng hoạt động hay sống chung trong một cộng đồng. Bạn có thể không coi tất cả người trạc tuổi là "bạn bè", nhưng họ đều có thể ảnh hưởng đến bạn.

Áp lực đồng trang lứa có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Khi áp lực từ bạn bè là tích cực, nó sẽ thúc đẩy bạn cố gắng phát triển. Áp lực tiêu cực là khi ai đó khiến bạn cảm thấy phải làm giống họ mới là đúng, mới được chấp nhận.

 Chúng ta thường chịu áp lực tiêu cực ngày tụ họp đầu năm mới. Ảnh minh họa: Yaroslav/Pexels.

Chúng ta thường chịu áp lực tiêu cực ngày tụ họp đầu năm mới. Ảnh minh họa: Yaroslav/Pexels.

Áp lực tiêu cực là điều chúng ta đề cập khi nhắc đến "peer pressure". Khi chịu áp lực đồng trang lứa, chúng ta thường cảm thấy tội lỗi hoặc thất vọng với bản thân vì hành động đi ngược lại với niềm tin hoặc giá trị chung.

Dù ở độ tuổi 20 hay 30, chúng ta đều chịu áp lực đồng trang lứa ở cấp độ khác nhau, tùy thuộc mức độ trưởng thành và thành công của bạn bè xung quanh. Ngoài ra, còn có những câu hỏi đặc trưng cho từng giai đoạn.

Trong buổi gặp mặt, chúng ta sẽ phải nói xem mình đã có việc làm chưa nếu là sinh viên mới tốt nghiệp, có người yêu chưa nếu ở độ tuổi khoảng 25, bao giờ mới cưới nếu ở tuổi 27-30, đã được thăng chức chưa khi đã đi làm nhiều năm.

Áp lực này một phần xuất phát từ nhu cầu so sánh của con người, vốn đã có từ hàng nghìn năm trước. Nhà trị liệu Juulia Karlstedt giải thích rằng tâm lý đó được "kết nối" vào bộ não của chúng ta, bởi nhận thức và điều chỉnh mình cho phù hợp với tiêu chuẩn xã hội là một lợi thế về mặt tiến hóa.

Nếu bạn làm tốt trong nhóm của mình, có nghĩa ta ít có khả năng bị đuổi ra ngoài. Việc bị gạt bỏ là án tử đối với tổ tiên của chúng ta khi chung sống trong các cộng đồng nhỏ, biệt lập.

Karlstedt cho biết: "Sự so sánh được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi và căng thẳng, vì vậy khi chúng ta ít có tác nhân gây căng thẳng và lòng tự trọng cao, ta thường ít so sánh mình với người khác hơn".

Thoát khỏi áp lực

Theo Christina Burmeister, một nhà tâm lý học lâm sàng có trụ sở tại Dubai, dù áp lực đồng trang lứa xảy ra ở mọi lứa tuổi, mức độ nhạy cảm của mỗi người với nó là không giống nhau.

Những người ở độ tuổi khác nhau có cách phản ứng riêng với nó, và thanh niên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước áp lực này.

Theo Integris Health, áp lực đồng trang lứa thậm chí khó vượt qua hơn khi bạn ở tuổi trưởng thành. Bạn cần có kỹ năng để thoát bẫy áp lực này trong những cuộc gặp gỡ bạn bè đầu năm.

 Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế và cảm xúc để không rơi vào vòng xoáy của áp lực đồng trang lứa. Ảnh minh họa: Inga Seliverstova/Pexels.

Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế và cảm xúc để không rơi vào vòng xoáy của áp lực đồng trang lứa. Ảnh minh họa: Inga Seliverstova/Pexels.

Trước tiên, hãy tự khẳng định mình. Là một người trưởng thành, chúng ta luôn cần hiểu rằng khi một người nói rằng điều đó là tốt, không có nghĩa nó tốt với bạn.

Mỗi người có một "đồng hồ trưởng thành" riêng, vì thế đã ở tuổi 30 không có nghĩa bạn phải kết hôn để giống người khác. Dù bạn chỉ là nhân viên sau nhiều năm đi làm, hay chỉ có mức lương cơ bản, chỉ cần bạn biết nó đủ với mình, không cần xấu hổ trước đánh giá của người khác.

Ngay cả khi người đưa ý kiến là một người bạn ngưỡng mộ, không có nghĩa mọi thứ họ nói và làm là đúng với bạn.

Trong cuộc gặp, việc bạn có chia sẻ về các vấn đề cá nhân (như lương, thưởng, tình trạng hẹn hò) hay không là lựa chọn cá nhân.

Nếu có ai đó cố tình công kích vì bạn còn độc thân hay lương thấp, sự nghiệp chưa ổn định, hãy thẳng thắn đáp trả theo cách lịch sự.

Chuẩn bị về cảm xúc là điều quan trọng. Trước cuộc tụ họp, bạn có thể đoán xem mọi người sẽ đưa ra vấn đề gì, liệu mình sẽ thấy khó chịu nếu bị hỏi câu nào. Hãy suy nghĩ trước tình hướng và hình dung câu trả lời để không rơi vào thế bị động.

Dành thời gian để nhìn nhận trọng tâm cuộc sống của mình sẽ khiến bạn tránh được nỗi lo phải chạy đua theo người khác. "Điều gì phù hợp với tôi?", "Điều gì tôi thấy hài lòng ở bản thân?", "Tôi muốn cuộc sống của mình đi theo hướng nào" - đó là những câu hỏi bạn nên tự trả lời.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-ly-hon-thua-khi-hop-lop-dip-tet-post1393713.html