Tâm lý kỳ thị LGBT hủy hoại cuộc chiến chống Covid-19
Làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là những minh chứng cho thấy sự kỳ thị và đổ lỗi đối với cộng đồng LGBT có thể phá hủy nỗ lực phòng chống đại dịch.
Trong cơn giận dữ, bức xúc về làn sóng dịch bệnh mới, một số người dường như không còn phân biệt được sai và đúng, đâu là hành vi đáng bị lên án và đâu là điều cần phải bảo vệ ngay lúc này.
Tâm lý kỳ thị LGBT - cộng đồng vốn đã yếu thế trong xã hội - có thể đưa đến những hậu quả khôn lường trong tương lai và trước mắt nó sẽ là vật cản hủy hoại mọi công sức chống dịch lâu nay.
Hãy nhìn vào bài học từ Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để thấy điều đó.
Đổ lỗi vô cớ
Tháng 5/2020, Hàn Quốc đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Các trường hợp lây nhiễm đầu tiên được xác định có liên quan đến những hộp đêm dành cho người đồng tính tại thủ đô Seoul.
Bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát này là một người đàn ông 29 tuổi, đã đến 5 hộp đêm và quán bar trong khu Itaewon ở Seoul vào đêm trước khi được xét nghiệm dương tính với corona. Sau đó, hơn 100 trường hợp nhiễm bệnh khác được xác định.
Tờ Kookmin Ilbo nhấn mạnh rằng những nơi ở Itaewon mà bệnh nhân 29 tuổi lui tới là các câu lạc bộ đồng tính. Theo sau bài viết này là vô số những bình luận phỉ báng cộng đồng LGBT xuất hiện trên mạng xã hội.
Sự kỳ thị và đổ lỗi cộng đồng LGBT gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai gia tăng. Điều này đã khiến công tác chống dịch trở nên khó khăn hơn và những nỗ lực trước đó của chính phủ Hàn đổ sông đổ bể, theo AP.
Nhà chức trách cố gắng theo dõi và kiểm tra hàng nghìn người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân, song sự kỳ thị khiến những người lui tới các hộp đêm đồng tính không dám trung thực khai báo y tế.
Yonhap dẫn lời chính quyền thành phố Incheon cho biết một giáo viên 25 tuổi, tại một cơ sở giáo dục tư nhân ở Incheon, phía Tây Seoul, đã khiến hàng loạt học sinh bị lây nhiễm Covid-19 sau khi giấu chuyện đã đến hộp đêm ở Itaewon.
Hơn 13 người, trong đó có 8 học sinh trung học, đã bị nhiễm bệnh và hàng trăm học sinh, giáo viên, phụ huynh buộc phải cách ly y tế.
Dù không hề liên quan đến làn sóng dịch bệnh hồi tháng 5 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng LGBT ở đây vẫn bị đổ lỗi một cách vô cớ.
Tính đến đầu tháng 5, quốc gia Trung Đông công bố hơn 130.000 trường hợp nhiễm bệnh - cao thứ 9 trên thế giới. Tại thời điểm này, giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Ali Erbas, tuyên bố rằng cộng đồng LGBT là những người "mang lại bệnh tật" và ám chỉ rằng quan hệ đồng giới là nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19.
Bất chấp sự phản đối của các tổ chức xã hội dân sự, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhanh chóng ủng hộ Erbas và nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào giáo sĩ đều bị coi là một “cuộc tấn công vào nhà nước và Hồi giáo”.
Sự kỳ thị người đồng tính của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề tồn tại từ lâu. Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc chính phủ công khai công kích LGBT trong đại dịch chủ yếu là để chuyển hướng chú ý của công chúng khỏi công tác phòng chống dịch yếu kém, dẫn đến khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
LGBT thiệt thòi hơn trong đại dịch
Kim Jyu-hye, người thuộc cộng đồng LGBT, sống ở một thị trấn nông thôn Hàn Quốc, chia sẻ khi nói về những gì xảy ra trong các hộp đêm Itaewon, người dân thường nói rằng “những người đồng tính thích đi lang thang suốt đêm và tiếp xúc với nhiều đàn ông".
“Tôi cảm nhận rõ rằng mình bị kỳ thị nhiều hơn, tôi sợ gặp gỡ và tạo mối quan hệ với những người khác vì họ chỉ muốn trút cơn giận dữ lên cộng đồng LGBT”, Kim nói.
Trong ngày thế giới chống kỳ thị người đồng tính (International Day Against Homophobia, 17/5), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, LGBT chính là những đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất.
“Trong số nhiều hậu quả nghiêm trọng do đại dịch có cả tình trạng cộng đồng LGBT ngày càng dễ bị tổn thương. Họ đã gặp phải khó khăn do định kiến, bị tấn công và bị giết chết, chỉ đơn giản vì: họ là ai và họ yêu ai. Nhiều đại diện của LGBT bị chỉ trích gay gắt hơn vì virus, cũng như gặp trở ngại khi tìm kiếm hỗ trợ y tế”.
Ông Guterres nói thêm một số nơi đang lạm dụng các chỉ thị liên quan đến Covid-19 để hạn chế quyền lợi của cộng đồng LGBT và các tổ chức có liên quan.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Melbourne (Australia) cho thấy tỷ lệ người chuyển giới từng có ý định tự tử hoặc làm tổn thương bản thân cao hơn trong đại dịch.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hơn 1.000 người chuyển giới trong mùa dịch và phát hiện 61% đã trải qua các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Hơn 1/10 cho biết cảm thấy không an toàn hoặc sợ hãi khi ở nhà.
Đồng tác giả nghiên cứu Sav Zwickl cho biết: “Có rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy cộng đồng LGBT bị gạt ra lề xã hội.
Họ gặp khó khăn khi tìm việc làm, duy trì công việc, bị gia đình từ chối, bạo hành thể xác, lạm dụng lời nói. Họ cũng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi đang trong tình trạng khủng hoảng, với các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng”.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh khả năng tiếp cận dịch vụ y tế kém và thiếu các dịch vụ chuyên biệt dành cho LGBT trong đại dịch.