Tam Nông hướng tới phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng hữu cơ bền vững

Với lợi thế là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, huyện Tam Nông từng bước chuyển từ sản xuất lúa truyền thống sang hướng hữu cơ, chất lượng cao. Hướng đi này không chỉ nâng cao đời sống cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Tạo vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, đến nay, toàn huyện đã có 27.233ha lúa được cấp mã số vùng trồng, 12.000ha đạt chứng nhận VietGAP và 2.400ha được sản xuất theo hướng hữu cơ. Song song đó, việc áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trên toàn bộ diện tích lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, huyện Tam Nông không chỉ tạo ra vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng để phục vụ thị trường mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Khởi - Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Tam Nông, khẳng định: “Xác định nông nghiệp là trụ cột kinh tế của địa phương, chúng tôi luôn tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Trong những năm qua, xã Phú Cường đã không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, nhằm giảm giá thành và nâng cao năng suất. Nhờ xây dựng chuỗi giá trị khép kín sản phẩm lúa gạo của địa phương đã được nhiều doanh nghiệp lớn như Vinarice, Lộc Trời tin tưởng và đặt hàng...”.

Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng lúa gạo, huyện Tam Nông còn tiên phong trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý là mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sinh thái kết hợp nuôi thả sếu” tại xã Phú Đức và Tân Công Sính; mô hình bơm tưới tiết kiệm nước, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ tại xã An Long; mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái được triển khai năm 2024 với diện tích 1.072,3ha/249 hộ tại 5 xã: Phú Cường, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thọ, Phú Thành A. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp huyện, dự kiến trong năm 2025 sẽ nhân rộng các mô hình lên 16.594ha.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm thả lưới bắt cá mùa nước nổi tại Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông)

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm thả lưới bắt cá mùa nước nổi tại Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông)

Tăng năng suất và bảo vệ môi trường

Hơn 2 năm qua, song song với việc trồng lúa, nông dân Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến, xã Phú Thành A đã thành công trong việc nuôi trữ cá mùa lũ, tận dụng rơm rạ để trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái và sản xuất gạo chất lượng cao. Bằng việc khai thác đa dạng các giá trị từ đồng ruộng, HTX đã tạo nên một mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả. Anh Nguyễn Thiện Thuật - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến, chia sẻ: “Để tận dụng tối đa lợi thế của mùa lũ, HTX đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi trữ cá kết hợp du lịch sinh thái từ năm 2023. Kết quả thật bất ngờ, mô hình mới mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao so với trước đây. Nhận thấy đây là mô hình kinh tế tiềm năng, mùa lũ năm 2024, HTX tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để phục vụ du khách tốt hơn. Từ đầu mùa lũ đến nay, HTX đã tiếp đón nhiều đoàn khách từ các tỉnh và có cả khách quốc tế. Bà con trong HTX rất phấn khởi với những tín hiệu khả quan bước đầu. HTX nhận thấy, việc sản xuất lúa sạch kết hợp với nuôi trữ cá mùa lũ, khai thác du lịch sinh thái thật sự là hướng đi bền vững, không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần bảo tồn môi trường”.

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, song việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại Tam Nông vẫn còn nhiều thách thức như: nông dân vẫn còn gặp khó khăn trong xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường ổn định; thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện đại sau thu hoạch, đặc biệt là sự liên kết chưa bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Anh Tàu - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, để nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo, huyện đang tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm. Huyện tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa đồng bộ; hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: tiết kiệm giống, nước, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo địa phương và ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất, nhằm tăng thêm thu nhập và đảm bảo cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp của huyện ngày càng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/tam-nong-huong-toi-phat-trien-nganh-hang-lua-gao-theo-huong-huu-co-ben-vung-126511.aspx