Tầm quan trọng của đề án mỗi xã một sản phẩm

Để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí 'Kinh tế và tổ chức sản xuất' trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020 (gọi tắt là Đề án OCOP_AG).

Mục tiêu của Đề án OCOP_AG là tập trung hỗ trợ, nâng cấp, củng cố, phát triển 10 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh đến năm cuối 2020. Phấn đấu trong năm 2020 có từ 30 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên được công nhận và có ít nhất 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 3 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế nhất tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh (theo danh sách sản phẩm xác định trong Đề án OCOP_AG và các sản phẩm tiềm năng khác để tập trung chỉ đạo phát triển và hoàn thiện sản phẩm).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo 100% cán bộ quản lý nhà nước tham gia chương trình; 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh. Hình thành 3 trung tâm hoặc điểm bán sản phẩm OCOP An Giang tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại.

Trà xạ đen

Để đạt mục tiêu, ngày 5-6, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình OCOP tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Đề án OCOP_AG, tỉnh đã tổ chức Hội đồng đánh giá sản phẩm đợt 1 năm 2020, kết quả có 6 sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên (trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao: tranh lá thốt nốt (Thoại Sơn), đường thốt nốt sệt Palmania (Tri Tôn); 4 sản phẩm đạt 3 sao: trà xạ đen (TP. Long Xuyên), gạo thơm Ngọc Nhân (Châu Thành), khô cá tra phồng (TP. Châu Đốc), lạp xưởng bò (TX. Tân Châu) đã tạo động lực lớn cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Thời gian qua, thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt trọng tâm là hoạt động rà soát các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng và tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể kinh tế làm hồ sơ sản phẩm trước khi tham gia hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh và công nhận chính thức.

Mặc dù các hoạt động này đã được nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng vẫn còn khá chậm, kết quả đạt được chưa đáp ứng mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đến nay chỉ có 4 huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú và TP. Long Xuyên phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể kinh tế hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.

Tranh lá thốt nốt

Để tiếp tục triển khai nhanh và hiệu quả Đề án OCOP_AG, đảm bảo mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các địa phương, các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng của địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể kinh tế làm hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đảm bảo tiến độ về tổ chức đánh giá chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia Đề án OCOP_AG, sản phẩm tiềm năng khác.

Chỉ đạo UBND các xã nằm trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bố trí, lồng ghép các nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai thực hiện đề án OCOP_AG trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền về đề án; vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình, người dân tham gia.

Để xây dựng thương hiệu một sản phẩm đã khó, giữ vững càng khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ để sản phẩm “sống” với thương hiệu đã gầy dựng. Bởi, ngoài lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, sản phẩm đặc trưng của tỉnh còn mang giá trị nhân văn. Vì thế, khi sản phẩm có thương hiệu, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức và tham gia các hội chợ, hội thảo để tập trung giới thiệu, quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức. Tổ chức hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL tỉnh An Giang lần I-2020.

Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử trong quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, phân phối sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-quan-trong-cua-de-an-moi-xa-mot-san-pham-a278060.html