Tâm sự của một chiến sĩ phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2 Bộ Quốc phòng

Chiến sĩ Đỗ Viết Sĩ, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1 cùng đồng đội đã có mặt từ những ngày đầu xây dựng Bệnh viện dã chiến số 2 Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Bắc Giang chống dịch.

Khi kết thúc nhiệm vụ xây dựng bệnh viện, Đỗ Viết Sĩ tiếp tục cùng đồng đội ở lại thực hiện công tác hậu cần, chăm sóc sức khỏe cho bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2 Bộ Quốc phòng. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, chiến sĩ Đỗ Viết Sĩ đã viết những dòng nhật ký đầy cảm xúc:

“Đã một tuần nay, Bệnh viện dã chiến số 2 Bộ Quốc phòng đã trở thành “đơn vị mới” của tôi… Tôi và một số chiến sĩ trong Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 nhận nhiệm vụ đột xuất là tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến số 2 tại tỉnh Bắc Giang. Lúc đó, tôi chưa biết công việc cụ thể là gì nên cũng không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng nhưng hơn hết, lúc đó tôi chỉ nghĩ là nhận nhiệm vụ bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Khi tới nơi, chúng tôi được phân công lắp ghép giường bệnh, vận chuyển máy móc thiết bị y tế, dọn dẹp để bệnh viện sạch sẽ, gọn gàng, có thể đi vào hoạt động được ngay.

Lúc đầu tôi chưa biết ghép các khung giường sao cho nhanh nhất, chắc chắn nhất. Nhưng được sự hướng dẫn của cấp trên và các cán bộ quân y nên phân đội chúng tôi đã triển khai nhịp nhàng và hoàn thành sớm việc lắp ghép. Chúng tôi còn phải di chuyển nhiều máy móc, trang thiết bị y tế, việc cơ động di chuyển bảo đảm an toàn cho trang bị và lắp đặt đúng vị trí, nhanh gọn.

 Đỗ Viết Sĩ (bên phải) và đồng đội phục vụ tại bộ phận hậu cần.

Đỗ Viết Sĩ (bên phải) và đồng đội phục vụ tại bộ phận hậu cần.

Chúng tôi chỉ kịp nghỉ ít phút để tranh thủ ăn trưa rồi lại tiếp tục công việc cho đến 17 giờ thì cơ bản đã xong. Phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng, oi bức của những ngày hè cuối tháng 5, chúng tôi thực sự mệt mỏi và vất vả nhưng chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng để có thể hoàn thành bệnh viện trong thời gian sớm nhất, góp phần giúp chính quyền, nhân dân Bắc Giang chống dịch.

Cũng giống như ở Sư đoàn 3, tôi vẫn giữ thói quen tập thể dục vào mỗi buổi sáng và chiều tối. Nhưng với chúng tôi lúc này, duy trì sức khỏe tốt là để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: Phục vụ khu cách ly, phục vụ cho bác sĩ, chăm sóc bệnh nhân, giúp bệnh nhân mau khỏe để sớm về với gia đình - tất cả vì một ngày không xa sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Tôi và một số đồng chí trong đơn vị được phân công vào tổ hậu cần. Anh em đều bỡ ngỡ, vì thật sự nấu ăn không phải là sở trường, nhưng chúng tôi bảo nhau: Thôi cứ làm rồi sẽ quen, vừa làm vừa học các anh nuôi quân… Có thể mình nấu ăn chưa ngon, nhưng quan trọng nhất là phải bảo đảm vệ sinh, sạch sẽ, gọn gàng và cũng là để chia sẻ với các anh. Hằng ngày, chúng tôi phục vụ hàng trăm suất cơm cho bác sĩ và bệnh nhân, nhiều hôm gần như kiệt sức nhưng chúng tôi luôn tự hứa với lòng mình phải nấu những bữa cơm dẻo, canh ngọt để phục vụ mọi người chống dịch.

Hiện nay, bệnh viện vẫn đang tiếp tục đón bệnh nhân vào điều trị. Chúng tôi cũng được bố trí gác trực, hỗ trợ các biện pháp phòng, chống dịch khi có bệnh nhân và phương tiện ra vào khu vực.

Khó nhất với tôi cũng như với các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch là giữa nắng nóng mùa hè như thế này mà vẫn phải khoác thêm bộ quần áo bảo hộ… Mỗi lần hoàn thành ca trực xong tôi cảm giác cơ thể mình như giảm được vài ki-lô-gam vậy...

Dịch bệnh vẫn đang phức tạp, bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục còn duy trì hoạt động. Dù có vất vả nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều quyết tâm làm sao phục vụ tốt nhất để các bệnh nhân có sức khỏe, an tâm điều trị, cũng là góp phần để bệnh viện dã chiến hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình!”.

ĐỨC TRỌNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bo-doi-cu-ho-tren-tuyen-dau-chong-dich/nhat-ky-doi-mat-covid-19/tam-su-cua-mot-chien-si-phuc-vu-tai-benh-vien-da-chien-so-2-bo-quoc-phong-661763