Tâm sự nghề của những nhà báo nữ
Nghề báo luôn gắn liền với những chuyến đi, được đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều sự kiện. Song đối với nhà báo nữ ở tỉnh miền núi cũng vất vả, nhọc nhằn bởi các chuyến đi vùng xa, vùng cao biên giới, nhiều khi phải tác nghiệp trong môi trường mưa lũ, cháy rừng, nhưng do yêu nghề nên tôi rất hạnh phúc.
Nhà báo nữ miền núi
Năm 2014, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền với tấm bằng cử nhân báo chí, tôi được nhận vào học việc tại phòng Kinh tế (nay là phòng Phóng viên), Báo Sơn La. Chập chững bước vào nghề không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, nhưng với sự giúp đỡ của quản lý phòng, sự tận tình chỉ dạy của các anh, chị phóng viên đi trước và áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học trên ghế nhà trường để làm báo nên càng làm càng say.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi không sợ gian khó, thường xuyên đi công tác vùng cao, vùng sông nước, đến những xã, bản xa nhất, trải nghiệm và phản ánh cuộc sống của bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa những nét văn hóa, ẩm thực ở từng vùng miền đến với độc giả.
Gần 10 năm gắn bó với nghề báo, đặt chân đến nhiều vùng miền, đọng lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm. Nói về những chuyến công tác vùng cao, là nhớ cái lạnh buốt thấu da thịt mỗi mùa đông đến, những cung đường đất gấp khúc, lổn nhổn đất đá, mùa hè thị bụi mù, mùa mưa thì trơn trượt, những con dốc cao chồn chân vó ngựa... Khó khăn là thế, nhưng bà con vùng cao nồng hậu, mến khách, vẫn luôn kiên trì, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo thôi thúc tôi về với cơ sở.
Nhớ nhất là kỷ niệm những lần tham gia tác nghiệp tại vùng thiên tai, bão lũ năm 2015. Mưa lớn, nước từ các khe suối đổ về, dòng nước lũ chảy nhanh và mạnh như thác đổ gây ra lũ quét trên địa bàn các xã Bon Phặng, Tông Lạnh và Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Trong đó, xã Tông Lạnh chịu thiệt hại lớn nhất về người và tài sản của bà con nông dân và các hộ kinh doanh tại chợ Tông Lạnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin của cơ sở, trời đang mưa lớn, tôi không chần chừ mà lên đường ngay, bám sát sự chỉ đạo của quản lý phòng, nắm thông tin nhanh chóng, theo các đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thiệt hại mưa lũ. Sau đó, cả tháng trời, tôi cùng với các đồng nghiệp thay nhau trực bám nắm địa bàn, kịp thời tuyên truyền về câu chuyện tình người trong lũ, các chương trình ủng hỗ, hỗ trợ cho bà con vùng bão lũ ổn định cuộc sống. Chứng kiến cuộc sống của bà con vùng lũ dần ổn định, những người làm thông tin tuyên truyền chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Làm báo là vất vả, với phụ nữ làm báo còn vất vả hơn. Mỗi chuyến đi, mỗi câu chuyện đã để lại trong tôi những dấu ấn, những câu chuyện tiếp thêm động lực để tôi thêm yêu, thêm trách nhiệm với nghề. Tôi luôn cảm thấy yêu ngôi nhà chung Báo Sơn La đã rèn luyện tôi ngày càng trưởng thành.
Đi và trải nghiệm
Khi chọn dấn thân vào nghề báo, chắc hẳn ai cũng đều chấp nhận “lăn xả” để cố gắng cho ra những tác phẩm ấn tượng trong lòng độc giả. Với tôi, nghề báo gắn liền với mỗi chuyến đi để gặp thêm nhiều người, biết nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống và quan trọng hơn là tìm đề tài, chất liệu báo chí, lắng nghe, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có những chuyến đi xác định rõ thời gian, địa điểm; nhưng cũng có lúc phải lên đường đột xuất...
Còn nhớ, lần đầu tiên đi công tác tại Bắc Yên, huyện vùng cao nhiều khó khăn. Tôi thực hiện các bài viết về đề tài tảo hôn, thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ rừng, phát triển du lịch... đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ thu thập tư liệu. Một tuần, thậm chí cả tháng đi xe máy, trèo đèo, lội suối... tôi mới lấy đủ hình ảnh, thông tin để thực hiện loạt bài viết. Sau đó, các bài viết được đông đảo độc giả quan tâm, thấy giá trị công sức lao động bỏ ra xứng đáng.
Gắn bó, dấn thân hơn với nghề, tôi thực sự hiểu, làm báo không đơn giản, luôn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả. Để có một tác phẩm thông tin đến độc giả, mỗi phóng viên vượt đường dài, đổ công sức và thậm chí là đối mặt với nguy hiểm để bám địa bàn, ghi nhận, thu thập đầy đủ thông tin một cách khách quan, đa chiều trước khi thông tin đến bạn đọc.
Song cái được không phải nghề nào cũng có, đó là được đi nhiều, biết nhiều, được góp phần giải quyết khó khăn cho nhân dân thông qua bài viết của mình. Cũng từ những chuyến đi tác nghiệp, tôi hiểu, cảm thông hơn với nỗi đau của những cảnh đời bất hạnh, biết thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của bà con nông dân... Làm báo nếu không đi, không cảm nhận, thì không thể hiểu và viết được. Và nếu không phải là phóng viên, chắc rằng, tôi ít có cơ hội được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để cảm nhận cuộc sống tươi đẹp.
Cũng từ những chuyến đi ấy, những người anh, người chị, những bác nông dân, những thầy, cô giáo cắm bản, già làng, trưởng bản… tôi đã gặp đến nay vẫn giữ liên lạc, gọi điện thăm hỏi, động viên tôi trong công việc, thỉnh thoảng lại được nghe câu: "Lâu không thấy em lên công tác, nghe bà con kể chuyện làm kinh tế” - thật ấm áp trong lòng. Đó là món quà vô giá, tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để tôi và các đồng nghiệp là nhà báo nữ tiếp tục guồng quay công việc, nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.