Tám tháng ba và thơ tặng vợ…

Ảnh minh họa: Internet

Lấy vợ sinh con ngót ngét 20 năm rồi tôi mới chợt nhớ ra: hình như lâu nay tôi… bỏ quên đâu đó cái nghĩa vụ làm trai nhân ngày 8/3 - tức ngày của chị em ta. Mà nói “chị em ta” cũng tức hàm nghĩa có phần của cả… vợ ta (ấy, chớ tưởng đó là sự đương nhiên, bởi không ít đấng mày râu sang thế kỷ XXI lâu rồi vẫn cứ đinh ninh: chị em ta là tất cả chị em, trừ… vợ!).

Ngày 8/3, theo như tôi hiểu, ấy là ngày vợ ta, chính thức được ta trao trả độc lập tự do, được quyền tự quyết lấy đời mình một khoảng thời gian xa lăng lắc mù khơi, tức từ sáng banh tới tối mịt! Kể thì cũng phải đạo quá xá, ai lại một năm ba trăm sáu lăm ngày đi “làm lớn” ráo trọi cả ba sáu lăm, phải chừa lấy một ngày “làm nhỏ”, xem như đổi gió, để mà ăn cơm uống nước ngon hơn.

Hơn nữa, vợ có càu nhàu chuyện ta ưa gia trưởng quanh năm thì có cái mà cãi: Đó đó, ngày 8/3 của bà đó… bỏ đi đâu! Còn về phía chị em ta, cầm chắc sẽ được an ủi vô biên về chuyện có nguyên một ngày muốn gì làm nấy mà khỏi phải dòm chừng sắc mặt quý anh và đương nhiên chị em sẽ cám ơn ta về những chuyện thêm thêm “gì đó” thuộc nỗ lực của cánh mày râu nhân ngày 8/3. Ví dụ như: Hôm nay ngày 8/3, tui giặt giùm bà cái áo của tui.

Năm nay, ơn trời tôi nhận được lời nhắc khéo kịp thời từ… vợ và nhớ ra rằng lại sắp tới 8/3. Rút kinh nghiệm cũ, ờ thì quyết chí sửa sai. Ngoài chuyện dũng cảm trao nguyên 24 giờ độc lập tự do cho vợ, tôi còn định kiếm thứ gì quà cáp cho hoành tráng thêm lên để xí xóa cái tội gần 20 năm không nhớ ngày 8/3 là ngày của vợ. Nghĩ mãi chẳng biết mua gì cho đúng kiểu. Té ra hơn 40 tuổi đầu tôi vẫn là lính mới tò te trong cái nghiệp vụ… mua quà tặng vợ.

Mua hoa ư? Xem ra “sân khấu” quá, cầm chắc vợ tôi sẽ càu nhàu: Hứ, già rồi còn bày đặt… hoa với hoét! Mua bánh kẹo ư? Nàng bị tiểu đường, kiêng đồ ngọt quanh năm, tặng bánh kẹo có khác gì mang chỗ yếu của nàng ra đùa cợt? Hay mua quần áo? Ôi thôi thôi, chuyện này thì tôi đầy mình kinh nghiệm, rờ tới mấy thứ đó đường nào tôi cũng rinh về nhà bằng cái giá đắt chẳng gấp rưỡi cũng gấp đôi; rồi lại phải nghe “ca vọng cổ”, chì chiết suốt ngày đêm. Vả chăng, thề có trời cao, tôi mà biết các số đo của vợ tôi bao nhiêu thì tôi… chết!

Bài toán quà cáp quả là nan giải. Nhưng rồi như ông bà ta từng bảo: trong cái khó ló cái khôn, cuối cùng tôi cũng nghĩ ra một lối thoát thần sầu được cả chì lẫn chài, nhứt cử lưỡng tiện khiến tôi suýt chút nữa quỳ xuống bái ngay tôi làm… sư phụ! Không phải nói quá, chớ ai có giàu óc tưởng tượng cách mấy cũng chẳng thể nào hình dung được hết cái diệu dụng của món quà tôi nghĩ ra đâu. Nó không “sân khấu”, không lo hớ giá, không gây phát nặng bệnh tiểu đường và đệ nhất diệu dụng là không tốn tiền mà lại còn có cơ may… hái ra tiền mới đã!

Quà ấy có tên: Thơ tặng vợ. Giờ thì quý vị tin tôi chưa?

Nghe gọn gàng vậy, nhưng cũng chẳng phải dễ ăn. Chí tình, tôi cũng có biết làm thơ. Nhưng… trời ạ, thơ làm tặng “bá tánh thập phương” thì viết cứ thao thao, còn thơ tặng vợ ư? Khó cha cha là khó! Biết vậy, nhưng khó khăn gì thì cũng phải ráng, bởi có câu châm ngôn đâu đó viết rằng: Khi anh không làm được chuyện gì ra hồn nữa thì chỉ còn nước làm… thơ. Nói vậy, ngụ ý ta phải hiểu rằng: Khi thơ mà làm cũng chẳng nên thân thì chỉ còn nước đi làm… - làm gì, hẳn quý vị thừa trí thông minh mà suy đoán!

Hóa ra, câu ấy ác mà thiện. Đúng, nó có hơi dồn mấy gã làm thơ vào “cửa tử” thật, thế nhưng cái tạng thuộc loại cứng đầu khó bảo như tôi thì cứ phải là dồn vào cửa tử mới nên… thơ. Tự ái đùng đùng, vật vã suốt rồi cũng xong. Thơ rằng:

Gọi là cũng biết làm thơ

Tháng 3 ngày 8 bây giờ tặng em

In câu sám hối đính kèm

Hai mươi năm chửa một phen… thuộc bài

Nợ này trả một thành hai mươi

Xin em tháng rộng ngày dài lượng dung

Cho ta khất nợ vô cùng

Chờ mai con lớn xin chung đủ tình.

Duyên mòn, còn nợ ba sinh

Hai mươi năm lỡ một mình… ừ, thôi

Năm hăm mốt có ta rồi

Đền em thơ phú nhân đôi ngọt ngào

Từ rày nhớ nhắc trừ hao!!!

Thơ làm xong, phong bao cẩn thận, buộc nơ xanh đỏ, đặt ngay lên kệ bếp (sáng nào nàng chẳng dậy sớm, xuống bếp đầu tiên). Xong! Chỉ còn mỗi việc xoa tay, chờ đợi. Và…

Kịch bản mỹ mãn thành công! Đúng ra, tôi dự đoán có hơi sai (tức chỉ ở mức “thành công”); chẳng ngờ nàng lại “phát tâm hoan hỉ” tới mức ấy. Nàng rưng rưng nước mắt, mếu máo:

- Híc… em cảm động quá, anh ơi! Hai mươi năm rồi, em mới… híc… biết hôm nay là… híc… ngày mấy…

Á à, suýt chút nữa là tôi mắc lỡm, té ra nàng nói mát. Bực! Bực quá!!! Hình như lão chủ gia trong tôi bắt đầu lên máu. Nhưng… không sao, tôi vừa kịp nhớ. Thôi, để mai mốt tính. Hôm nay là ngày 8/3 kia mà…

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/253037/tam-thang-ba-va-tho-tang-vo%E2%80%A6.html