Tâm thế cho vận hội mới - Bài 1: Kiện toàn, sắp xếp 'trung tâm đầu não'

Sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương là vấn đề 'đặc biệt quan tâm' của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong những lần làm việc với tỉnh về lộ trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

 TP. Huế trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp quận, huyện

TP. Huế trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp quận, huyện

Những bước ngoặt “lịch sử”

Trong câu chuyện với một số cán bộ lãnh đạo của huyện, việc Nam Đông nhập với huyện Phú Lộc là điều kiện tất yếu khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Như vậy, sau 47 năm kể từ ngày 11 tháng 3 năm 1977, “lịch sử” đã lặp lại đối với huyện Nam Đông. Sau khi Nam Đông và huyện Phú Lộc nhập lại với tên gọi mới là Phú Lộc sẽ có một bộ máy “đủ mạnh” để đáp ứng với yêu cầu thực tế đặt ra. Sau khi thành lập huyện Phú Lộc mới sẽ có 3.041 biên chế trong khối Đảng, đoàn thể và chính quyền”, ông Hồ Trọng Kình, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông chia sẻ.

Cùng với nhập huyện Nam Đông và Phú Lộc, việc đưa huyện Phong Điền trở thành thị xã cũng là vấn đề “cấp bách”, bước ngoặt “lịch sử”. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, Phong Điền đã “đủ điều kiện” để chuyển từ huyện lên thị xã; trong đó, sắp xếp, nhập các xã, thành lập các phường một cách hợp lý.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền ông Hồ Tá Thạnh cho biết: “Thành lập TX. Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV. Từ 16 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi thành lập TX. Phong Điền sẽ rút xuống còn 12 đơn vị; trong đó, có 6 phường và 6 xã. Điều này phù hợp với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp thu ý kiến tại Hội nghị thẩm định Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Minh Nhàn

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp thu ý kiến tại Hội nghị thẩm định Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Minh Nhàn

Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, ai cũng vui mừng, phấn khởi khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi là TP. Huế. TP. Huế khi được thành lập có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

“Những gì mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh thực hiện trong thời gian qua chính là cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; trong đó, đặc biệt chú trọng đến 2 vấn đề “cốt lõi” là bộ máy và công tác nhân sự. Đây cũng là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những lần làm việc với tỉnh: Thừa Thiên Huế chắc chắn và khẳng định được mình trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chính là trên nền tảng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ.

“Việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, thể hiện ý chí, nguyện vọng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cùng với TP. Đà Nẵng, TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra động lực và sức bật mới không chỉ cho vùng duyên hải miền Trung mà còn thực hiện chiến lược phát triển đô thị Quốc gia”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định.

“Giải bài toán” cán bộ dôi dư

Trong nhiều cuộc họp, làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương lưu tâm lớn nhất với tỉnh chính là, cần bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết được vấn đề trụ sở và cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC).

Huyện Nam Đông khi sáp nhập vào huyện Phú Lộc, trước mắt có 11 người nằm trong diện dôi dư, ông Đoàn Văn Sóng (trong ảnh), Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đông cho biết

Huyện Nam Đông khi sáp nhập vào huyện Phú Lộc, trước mắt có 11 người nằm trong diện dôi dư, ông Đoàn Văn Sóng (trong ảnh), Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đông cho biết

Tại cuộc họp gần đây nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị, tỉnh xây dựng lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực, có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; có phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư theo quy định.

Trong thời gian 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, toàn tỉnh phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, ĐVHC. Cụ thể, 2.122 cơ sở nhà đất cấp huyện, cấp xã được giữ lại tiếp tục sử dụng; trong đó, các đơn vị dự kiến sắp xếp, thành lập ĐVHC gồm: TP. Huế 522 cơ sở, Phong Điền 241 cơ sở, Nam Đông 160 cơ sở và Phú Lộc 300 cơ sở.

“Huyện Nam Đông khi sáp nhập vào huyện Phú Lộc, trước mắt có 11 người nằm trong diện dôi dư. Hiện, UBND huyện đề xuất với Sở Nội vụ quyết định 1 công chức cấp huyện về xã. UBND huyện cũng đã quyết định 4 viên chức đang công tác tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trung tâm Văn hóa huyện, Văn phòng HĐND – UBND huyện Nam Đông chuyển về công tác tại các xã theo nguyện vọng, đề xuất của từng cá nhân và nhu cầu thực tế của các xã”, ông Đoàn Văn Sóng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đông cho hay.

Huyện Phong Điền sau khi trở thành thị xã, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã số cán bộ dôi dư cũng có những phương án giải quyết rất cụ thể. “Tâm tư, trăn trở là điều khó tránh khỏi trong công tác nhân sự cho bộ máy trực thuộc khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng tất cả đều thực hiện trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc thống nhất gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp.

Trước mắt, ưu tiên bố trí theo hiện trạng các địa phương, nhưng với đối với cán bộ dôi dư ở cấp huyện do sắp xếp là 64 người dự kiến điều chuyển sang các vị trí phù hợp ở các ĐVHC trên địa bàn tỉnh còn thiếu như quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa hoặc thay thế các vị trí phù hợp ở đơn vị có người nghỉ hưu, nghỉ chế độ theo quy định. Đồng thời, thực hiện giảm theo lộ trình từng năm để đảm bảo số lượng cấp phó và cán bộ công chức đúng quy định”, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn thông tin.

Lộ trình đặt ra là, năm 2025, 40 biên chế được điều động, luân chuyển về 2 quận Phú Xuân, Thuận Hóa và các vị trí phù hợp ở các đơn vị trên địa bàn còn thiếu biên chế, nghỉ hưu theo chế độ. Năm 2026, tiếp tục điều động, luân chuyển 24 biên chế về 2 quận và các vị trí phù hợp ở các đơn vị trên địa bàn còn thiếu. Đến ngày 31/12/2026, trên địa bàn tỉnh sẽ không còn cán bộ công chức, viên chức cấp huyện dôi dư, đảm bảo số lượng theo quy định.

TP. Huế trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, TX. Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, huyện A Lưới, huyện Phú Lộc (sáp nhập 2 huyện Phú Lộc và Nam Đông).

(Còn nữa)

Kỳ 2: "Nắng mới" từ con người

PHONG ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tam-the-cho-van-hoi-moi-bai-1-kien-toan-sap-xep-trung-tam-dau-nao-147300.html