Tâm thế người đại biểu nhân dân
Đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, là nhân tố then chốt quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đó là quan điểm được nhấn mạnh khi đánh giá lại những thành tựu, dấu ấn nổi bật và cả những trăn trở, ưu tư trong 5 năm qua của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, sau một nhiệm kỳ khóa XIV.
“Thành công”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó” là điều được chỉ ra khi đánh giá lại công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV. Thực tế hoạt động nghị trường gần 5 năm qua cũng cho thấy rõ sự đổi mới đồng bộ, toàn diện, trách nhiệm cao của Quốc hội thể hiện ở cả công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó nổi bật nhất là chuyển biến từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận”, từng bước hình thành “Quốc hội điện tử”.
Nếu tính trên những con số, Quốc hội đã tập trung ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có nhiều quy định mới, mang tính đột phá, tạo hành lang pháp lý để điều hành đất nước và giải quyết vấn đề thực tiễn. Giám sát đã lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm. Trong đó, một điểm nhấn không thể không nhắc đến chính là chất vấn và trả lời chất vấn đổi mới với “hỏi nhanh, đáp gọn”, tính tranh luận và phản biện cao, đã tạo ra một không khí nghị trường sôi nổi.
Những dấu ấn của Quốc hội khóa XIV là cả quá trình của kế thừa và phát huy, song trên hết là quyết tâm tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, để nghị trường mang hơi thở cuộc sống. Đúng như nhiều ý kiến đã nhận xét, cũng bởi những điều ấy, mà cử tri đều đồng tình rằng, hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân và vì Nhân dân đã được thể hiện đậm nét trong cả nhiệm kỳ. Mỗi đại biểu Quốc hội luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết đưa đất nước hướng đến phồn vinh, đưa chất lượng kỳ họp ngày càng nâng lên, để lại âm hưởng khó quên trong lòng Nhân dân.
Nhưng như có ý kiến đã nhận định, điều quan trọng hơn là đại biểu Quốc hội có theo kịp được sự phát triển của đất nước, với nhu cầu của đời sống và với nguyện vọng của dân không? Thước đo ấy mới là quan trọng. Bởi thế, vẫn còn rất nhiều những trăn trở, suy nghĩ về những điều “chưa được như mong muốn” của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được đưa ra như một lời nhắn gửi cho nhiệm kỳ sau. Như hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Một số nội dung chất vấn và trả lời chất vấn mới tập trung vào báo cáo thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục… Chính các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nhìn lại cũng còn trăn trở trước những “món nợ với cử tri” khi nhiệm kỳ Quốc hội đã hết. Rồi tình trạng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của Nhân dân, đó là yêu cầu được đặt ra phải khắc phục triệt để.
Khép lại một nhiệm kỳ, chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới, từ thực tế ấy, chính các đại biểu cũng như cử tri mong muốn, Quốc hội khóa mới sẽ tiếp tục chọn được những đại biểu xứng tâm, xứng tầm, để Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, thực sự hơn. Đồng thời, những trăn trở, âu lo của các đại biểu và cử tri cũng cần phải được thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết của nhiệm kỳ này và mặc dù chỉ còn ý nghĩa để bàn giao lại cho Quốc hội khóa sau. Để đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện cho dân, là cầu nối quan trọng giữa Quốc hội và cử tri thông qua việc lắng nghe, phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào nghị trường cũng như tuyên truyền, đưa chính sách và quy định của pháp luật vào cuộc sống.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tam-the-nguoi-dai-bieu-nhan-dan-413916.html