Tấm thiệp nhỏ

Hôm nay là ngày đẹp nhất của tháng 10, ngày mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng vui vẻ mong chờ sau Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3. Nương trông đợi từng giờ, đếm từng ngày cho ngày này nhanh đến nhất. Bốn giờ sáng, Nương gom hết tiền có được bỏ vào túi xách nhỏ đeo trước ngực rồi lên chiếc xe đạp tung tăng ra chợ hoa.

- Dì hai ơi, hoa của con có chưa ạ?

- Nương hả? Hoa của mày dì để ở kia, dì để mày giá nhập luôn đó, bán đắt nha!

Nương hí hửng, mừng rỡ, đếm đủ số tiền đưa cho dì hai chủ sạp hoa rồi nhanh chân lẹ tay mang hoa bỏ vào chiếc thùng đã có chút nước treo bên hông xe.

Nương là sinh viên năm cuối trường đại học kinh tế. Gia cảnh của Nương tương đối khó khăn. Cha mẹ ở quê làm thuê nuôi thêm hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Lúc Nương quyết định vào TP.HCM học đại học, cha mẹ rất lo lắng và cả Nương cũng thấp thỏm. Sợ rằng sẽ không đủ điều kiện để theo đuổi việc học đến cùng. Nhưng bằng sự cố gắng, phấn đấu và chi tiêu tiết kiệm cũng như chịu khó bươn chải kiếm sống, Nương đã giành học bổng mỗi năm, kiếm được tiền đủ chi tiêu cho cuộc sống dù có lúc cũng hết tiền, phải nhịn đói, uống nước cầm hơi.

Những lúc đó, nghĩ đến cha mẹ ở quê, Nương vẫn không bỏ cuộc. Gạt nước mắt, mỉm cười tiến về phía trước. Vì Nương biết cha mẹ đặt nhiều hy vọng ở Nương và ngoài kia xã hội còn nhiều người khó khăn, túng thiếu hơn Nương nhiều.

Lây lất làm đủ nghề từ gia sư cho đến chạy bàn, rửa chén ở quán ăn, qua từng ấy năm, Nương cũng là sinh viên năm cuối.

Nương cũng học bạn bè, anh chị đi trước buôn bán hoa vào ngày lễ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ vậy mà cha mẹ ở quê đỡ vất vả hơn, đỡ phải chạy khắp nơi mượn tiền gửi vào thành phố cho Nương chi tiêu ăn học.

Từ năm hai đại học, Nương đã không cần cha mẹ gửi tiền cho nữa. Nương tự mình lo miếng cơm được dù đôi lúc cũng thiếu trước hụt sau.

- Nương ra rồi hả em? Chị chờ em mười phút rồi đấy nhé!

Nương vừa ì ạch dắt chiếc xe ra chỗ bán hoa mà mỗi dịp lễ thường ngồi bán. Vừa đến nơi, đã có chị khách tươi cười trách móc, Nương chưng hửng rồi cười ngượng ngùng giải thích:

- Xin lỗi để chị chờ, tại hôm nay em lấy hoa hơi nhiều nên xe nặng hơn mấy lần trước.

- Lần này đầu tư lớn dữ ta, bộ tính bán hết số hoa này mua xe máy hả?

Chị khách cười rạng rỡ trêu chọc Nương. Chị là nhân viên văn phòng, gia đình chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Mỗi dịp Quốc tế Phụ nữ, Ngày của mẹ hay Ngày Phụ nữ Việt Nam, chị đều dậy sớm chạy ra chỗ Nương mua hoa về tặng mẹ cùng với bữa sáng thịnh soạn. Chị bảo nhà không có đàn ông nên chị muốn làm cho mẹ vui những dịp lễ.

Có lần Nương hỏi sao chị không chờ đến buổi chiều đi làm về rồi tặng. Chị cười hiền, nói rằng sớm mai vui vẻ thì cả ngày sẽ vui vẻ, đến chiều tối muộn thì cả ngày thấp thỏm không vui rồi. Mỗi năm có mấy ngày đâu, vui vẻ, hạnh phúc cho đáng một ngày.

Nương cắm cho chị khách thân thiết giỏ hoa nhỏ và không quên tặng kèm tấm thiệp nhỏ xinh xắn tự tay Nương làm để chị ghi những lời yêu thương dành cho mẹ. Hoa có thể tàn nhưng lời nhắn yêu thương kèm theo giỏ hoa vẫn còn mãi ở đó. Năm nay, Nương sáng tạo thêm những tấm thiệp nhỏ, hy vọng sẽ được khách hàng yêu thích.

- Em chu đáo quá Nương ạ. Chị chúc em mua may bán đắt nhé!

Chị khách cười rạng rỡ chào tạm biệt Nương. Chị là khách mở hàng cho Nương hôm nay. Vừa rồi, chị còn cố ý cho Nương thêm tiền. Nương từ chối nhưng chị bảo lộc mở hàng.

Nương từng làm nhân viên bán hoa cho một shop hoa, ở đó, Nương vừa làm, vừa học chị chủ cách cắm hoa. Nương khéo tay lại chăm học nên tay nghề nhờ vậy mà được chị chủ khen nức nở.

Mấy hôm có khách hàng đặt đi cắm hoa cho buổi tiệc, chị chủ làm không xuể liền cho Nương đi theo. Nhờ vậy mà Nương vừa nâng cao tay nghề, vừa có thêm thu nhập từ những người khách. Họ thấy Nương cắm hoa vừa ý liền không ngần ngại thưởng tiền cho Nương.

- Bán cho anh giỏ hoa này đi em gái.

Nương nhìn giỏ hoa to nhất mình vừa cắm được anh trai chỉ tay thì mừng rỡ. Vốn định cắm để trưng cho đẹp mắt, thu hút khách hàng thôi, đợi đến khi hết hoa thì Nương sẽ lấy từ giỏ to cắm sang các giỏ nhỏ để bán cho dễ. Vì giỏ hoa to thì giá thành cũng không rẻ, rất khó bán. Đó là kinh nghiệm Nương rút ra được từ những lần bán hoa dịp lễ trước đây.

Nương đưa giỏ hoa cho anh khách rồi mỉm cười:

- Chị nhà chắc chắn sẽ rất vui khi nhận được giỏ hoa này đấy. Em gửi tặng anh tấm thiệp nhỏ ghi lời nhắn cho chị nha!

Nương lấy trong túi ra tấm thiệp màu hồng phấn, bên trên có hai chú chim nhỏ đưa cho anh khách. Cứ ngỡ anh sẽ nở nụ cười đón nhận như những vị khách khác, nào ngờ anh từ chối với đôi mắt đượm nỗi buồn, giải thích:

- Vợ anh sau khi phẫu thuật thì mắt không còn nhìn thấy ánh sáng được nữa. Anh cũng không biết mình có thể đón thêm được mấy ngày lễ với cô ấy đây.

Nương sững sờ trước tình cảnh của anh khách. Nụ cười chứa chan tâm sự của anh làm Nương cũng rưng rưng xúc động. Nương nghẹn ngào trấn an anh rồi giả vờ trêu, mong rằng năm nào cũng được anh ra đây mua hoa ủng hộ. Anh cười rồi chào tạm biệt Nương, lái xe hòa vào dòng xe cộ tấp nập trên đường.

Một ngày bán hoa, Nương gặp biết bao nhiêu là người, từ già đến trẻ, mỗi người đều mang một tâm trạng vui vẻ đến mua hoa và ai cũng cảm thấy thích thú với chiếc thiệp nhỏ của Nương tặng. Trường hợp của anh khách là trường hợp đặc biệt nhất mà Nương có chút hụt hẫng và buồn theo anh khách kia.

Cả một con đường không chỉ mỗi mình Nương bán hoa nhưng dường như Nương là người bán đắt nhất. Khách ghé mua hoa đông nghẹt, có lẽ vì Nương cắm hoa khéo tay và cũng vì những tấm thiệp nhỏ đáng yêu được Nương tặng kèm.

Nương tính toán lấy nhiều hoa để bán đến tối, nào ngờ mới hơn năm giờ chiều đã bán hết. Nương chỉ chừa lại một bông hoa duy nhất cho bản thân mình. Nương chưa có bạn trai nên việc được người yêu tặng hoa vào ngày này có lẽ xa vời. Nương chuẩn bị dọn dẹp rồi về phòng trọ nghỉ ngơi. Cả ngày phơi nắng, ngửi khói bụi làm Nương mệt mỏi.

- Chị ơi! Bán cho em bông hoa còn lại được không ạ? Với chị cho em xin cái thiệp luôn nha.

Nương đang loay hoay sắp xếp dụng cụ cắm hoa vào giỏ cho gọn gàng thì giật mình với cậu nhóc trước mặt. Bé trai độ khoảng mười tuổi, thân hình gầy gò ốm yếu, vác sau lưng một cái bao lớn đựng đầy chai nhựa. Không cần hỏi Nương cũng đoán ra em làm nghề gì. Nương không phân biệt đối xử với khách đến mua hoa, ai đến mua dù giàu nghèo, dân trí thức hay tầng lớp lao động, Nương cũng vui vẻ bán.

- Hoa này chị không bán, em sang các chỗ khác còn nhiều hoa mua nhé.

- Em không đủ tiền, mấy dì kia không chịu bán.

Nụ cười trên mặt Nương cứng lại, ngơ ngác nhìn đứa bé đang đỏ mắt tủi thân, Nương lại nhớ đứa em trai ở quê. Nương gói bông hoa hồng cuối cùng vào giấy kiếng kèm theo vài hoa salem còn lại. Nương lục lọi tìm trong túi xách xem còn sót lại tấm thiệp nhỏ nào không. Rất may vẫn còn cánh thiệp màu xanh, bên trên có chú ong nhỏ.

- Em viết vài lời vào thiệp này rồi tặng chung với hoa nha.

Nương vừa đưa cho bé trai, vừa dặn dò thì nhìn thấy đứa nhỏ đang lục túi lấy tiền đưa cho Nương, những tờ tiền lẻ đủ mệnh giá từ một ngàn, hai ngàn và cả tờ năm trăm đồng.

- Em cất tiền đi, hoa và thiệp chị đều tặng em đấy!

Bé trai chớp mắt nhìn Nương. Nương mỉm cười với bé trai. Bé trai gật đầu nói lời cảm ơn nhưng rồi chỉ nhận hoa mà trả lại cánh thiệp nhỏ cho Nương.

Cầm trên tay tấm thiệp nhỏ mà trong lòng Nương dâng lên nhiều cảm xúc khó tả, đứa bé trai đã bỏ đi nhưng Nương vẫn còn ngơ ngác dõi theo dòng người càng lúc càng đông đúc trên đường, nhớ lại câu nói mà đứa bé trai đã nói.

- Mẹ em mất rồi, em có viết thiệp mẹ cũng không đọc được.

Hóa ra bé trai kia mua hoa về để lên bàn thờ cho mẹ. Bé trai còn giải thích với Nương, em đang ở với ba. Mẹ mất từ hai năm trước vì bạo bệnh do không có tiền chữa trị. Lúc còn sống, mẹ rất thích hoa hồng và mỗi lần đến dịp lễ gì của phụ nữ, ba cũng hay mua hoa cho mẹ.

Dù cành hoa cuối cùng dành cho bản thân cũng không còn nhưng Nương vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã làm được điều tốt đẹp.

*

Nương đẩy chiếc xe đạp vào phòng trọ rồi chẳng kịp tắm rửa, thay quần áo. Nương gọi điện thoại về cho mẹ ở quê. Nương gửi lời chúc mừng đến mẹ, nhìn nụ cười vui vẻ của mẹ, tự nhiên trong lòng Nương cảm thấy ấm áp và hạnh phúc đến lạ./.

Tuyết Luôn Võ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-thiep-nho-a184317.html