Tấn công giới tính của nam tiếp viên Vietnam Airlines là vô căn cứ
Thay vì phê phán hành động vi phạm quy định phòng chống Covid-19, một bộ phận dân mạng lại công kích, mỉa mai xu hướng tính dục của BN1342 và 1347.
Tối 30/11, Bộ Y tế công bố ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng sau hơn 80 ngày Việt Nam “vắng bóng” Covid-19.
Bệnh nhân được định danh số 1347 (32 tuổi) là một giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM. Anh bị lây nhiễm do chuyển tới ở cùng BN1342 (28 tuổi), nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, trong thời gian người này thực hiện cách ly tại nhà.
Ngay khi thông tin được đăng tải, phần lớn cư dân mạng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bùng dịch trở lại tại TP.HCM và chỉ trích hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch của 2 bệnh nhân.
Tuy nhiên, thay vì tập trung vào sự thiếu ý thức, một bộ phận dân mạng lại suy diễn, quy chụp và mạt sát xu hướng tính dục của BN1342 và 1347.
Nỗi lo từ sự suy diễn
Chia sẻ với Zing, anh Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia về thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam, nhận định sự thiếu ý thức chấp hành quy định cách ly của nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines là hành vi đáng trách.
Tuy nhiên, anh nhấn mạnh việc cư dân mạng đồn đoán về mối quan hệ giữa BN1342 và 1347, lùng sục danh tính và mạt sát xu hướng tính dục của họ là điều không nên.
“Cần hiểu rõ ở đây sự nguy hiểm của việc cách ly lỏng lẻo, không đúng quy trình. Tất cả những thông tin khác chỉ là suy diễn theo hướng chủ quan. Đáng nói, nhiều người xem suy đoán ấy là sự thật và quay lại công kích cả cộng đồng LGBT”.
Thực tế, việc tấn công đời sống riêng tư của các bệnh nhân Covid-19 chưa bao giờ là giải pháp đúng.
Trong quá khứ, mạng xã hội từng xuất hiện hiện tượng “đám đông cuồng nộ” tự cho mình quyền kết án, trừng phạt và thậm chí “truy sát” những cá nhân thiếu ý thức chống dịch.
Theo chuyên gia Huỳnh Minh Thảo, ngay cả một bộ phận trong cộng đồng LGBT cũng công kích xu hướng tính dục của BN1342 và 1347 dù chưa có bằng chứng nào cụ thể. Anh lo ngại điều này sẽ góp phần hằn sâu định kiến của xã hội đối với những người đồng tính.
“Với tư cách một người làm công tác truyền thông, thúc đẩy xã hội vì quyền của cộng đồng LGBT, bản thân tôi cảm thấy rất buồn và lo lắng. Tôi sợ rằng mọi người sẽ quy chụp cộng đồng LGBT là những người lăng nhăng, không có ý thức phòng chống dịch bệnh".
Nói với Zing, anh Thảo khẳng định hành vi công kích cá nhân cần được thay đổi. “Suy cho cùng, chúng ta cần hiểu đâu là gốc rễ vấn đề thay vì mang theo những định kiến. Đó mới là cách hành xử văn minh nên hướng đến”.
Kỳ thị LGBT sẽ gây cản trở chống dịch
Trên thực tế, tâm lý kỳ thị cộng đồng LGBT trong xã hội có thể hủy hoại mọi công sức chống dịch.
Tháng 5/2020, Hàn Quốc đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Nguồn lây nhiễm đầu tiên được xác định là một người đàn ông 29 tuổi từng đến 5 hộp đêm tại khu Itaewon, thành phố Seoul.
Thời điểm đó, tờ Kookmin Ilbo nhấn mạnh rằng những nơi ở Itaewon mà bệnh nhân lui tới đều là các câu lạc bộ đồng tính. Sau khi bài báo được đăng tải, mạng xã hội xứ kim chi xuất hiện vô số những bình luận phỉ báng, miệt thị cả cộng đồng LGBT.
Làn sóng kỳ thị quá mạnh mẽ khiến những người lui tới các hộp đêm trên, dù đồng tính hay dị tính, không dám trung thực khai báo y tế. Điều này đã khiến công tác chống dịch trở nên khó khăn hơn và những nỗ lực trước đó của chính phủ Hàn đổ sông đổ bể, theo AP.
Kim Jyu-hye, người thuộc cộng đồng LGBT Hàn Quốc, kể lại rằng mỗi khi nhắc đến sự việc ở Itaewon, người dân thường quy chụp những người đồng tính "thích đi lang thang suốt đêm và tiếp xúc với nhiều đàn ông".
“Tôi cảm nhận rõ ràng là mình bị kỳ thị nhiều hơn. Tôi sợ gặp gỡ và tạo mối quan hệ với những người khác vì họ chỉ muốn trút cơn giận dữ lên cộng đồng LGBT”, Kim nói.
António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khẳng định LGBT chính là những đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Họ gặp khó khăn, bị tấn công chỉ đơn giản vì họ là ai và họ yêu ai", ông nói.
Sav Zwickl, Tiến sĩ về Giới, Xu hướng tính dục và Đa dạng giới tại ĐH La Trobe (Australia), chia sẻ: "Có rất nhiều nghiên cứu và bằng chứng cho thấy cộng đồng LGBT bị gạt ra lề xã hội".
"Họ gặp khó khăn khi tìm việc làm, duy trì công việc, bị gia đình từ chối, bạo hành thể xác, lạm dụng lời nói. Họ cũng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết khi đang trong tình trạng khủng hoảng, với các vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng", ông nói.