Tận dụng các cơ chế ưu đãi từ EVFTA: Thêm cơ hội tăng thu từ xuất, nhập khẩu

Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nếu tận dụng tốt cơ hội.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Nếu chúng ta đẩy mạnh được hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, đặc biệt nếu tận dụng được cơ chế ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Việt Nam sẽ tiếp tục có nguồn thu thuế xuất nhập khẩu khi dòng chảy hàng hóa gia tăng qua biên giới…

EVFTA tác động hai chiều đến thu ngân sách

Theo phân tích của Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK -Tổng cục Hải quan), thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nếu tận dụng tốt cơ hội.

Lợi ích rõ nhất từ EVFTA là không những giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế thương mại từ các thị trường mới, giúp bảo đảm an ninh kinh tế. Dự báo cán cân thương mại tăng nhanh, sẽ có sự dịch chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trong trung hạn và dài hạn.

Nhìn một cách tổng thể thì việc cắt giảm thuế cũng thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2019, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng khoảng 10% mỗi năm. Khi tham gia EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng sang EU với lộ trình lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu và áp dụng một mức trần thuế suất ưu đãi. Dự kiến Hiệp định EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Ở chiều nhập khẩu, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, kim ngạch nhập khẩu từ EU đến Việt Nam qua mỗi năm tăng dao động ở mức từ 7 - 14%. Khi tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO. Dự kiến kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33% vào năm 2025 và 36% vào năm 2030.

Bên cạnh những thuận lợi về đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường nêu trên, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK cho biết, việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết tại EVFTA sẽ có tác động hai chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo đó, trước hết là giảm thu ngân sách nhà nước do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Bên cạnh đó là, tăng thu ngân sách do có thêm thu từ nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Để đánh giá chính xác hơn đối với giảm thu từ thuế nhập khẩu đối với các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu, Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện đánh giá lại ảnh hưởng của EVFTA đối với nguồn thu từ hoạt động XNK khi có Biểu thuế XNK chính thức chi tiết đối với các dòng hàng của Hiệp định EVFTA.

Tạo thuận lợi thương mại, tăng thu thuế xuất nhập khẩu

Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, nếu tận dụng được cơ chế ưu đãi từ các FTA, Việt Nam tiếp tục có nguồn thu khi dòng chảy hàng hóa gia tăng qua biên giới.

Ông Hoàng Việt Cường cho biết, với các FTA Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện trong nửa đầu năm 2020, mặc dù có khó khăn của dịch Covid-19, song kim ngạch XNK cả nước vẫn đạt hơn 240 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2019, thặng dư thương mại 5,4 tỷ USD. Theo đó, số thu ngân sách đạt 149.015 tỷ đồng, bằng 44,08% dự toán. Điều này cho thấy tình hình XNK nếu như chúng ta tiếp tục đẩy mạnh được thì khả năng thu ngân sách sẽ đạt cao so với dự toán.

“Số thu của ngành Hải quan phụ thuộc vào kim ngạch XNK, đặc biệt là kim ngạch XNK có thuế. Vừa qua kim ngạch XNK giảm không nhiều, nếu chúng ta đẩy mạnh được hoạt động XNK của DN, đặc biệt nếu tận dụng được cơ chế ưu đãi từ các FTAs thì Việt Nam tiếp tục có nguồn thu khi dòng chảy hàng hóa gia tăng qua biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi vừa đảm bảo hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi các nước, đồng thời tạo điều kiện cho chúng ta có nguồn thu cho ngân sách nhà nước…”, ông Hoàng Việt Cường phân tích thêm.

Để tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy hoạt động XNK, qua đó tăng nguồn thu từ thuế XNK, ông Hoàng Việt Cường cho biết, từ nay đến cuối năm Tổng cục Hải quan sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp.

Đầu tiên là tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng DN bằng cách làm thủ tục thông quan nhanh chóng nhất. Vừa qua ngành Hải quan đã tiến hành việc cơ cấu lại hoạt động kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, theo đó thực hiện kiểm tra hàng hóa ở khâu trước thông quan thay vì hiện nay đang chú trọng kiểm tra ở khâu thông quan. Cụ thể, cơ cấu lại bộ phận soi hàng hóa, tập trung vào soi trước thông quan, như vậy sẽ giảm được thời gian thông quan cho cộng đồng DN.

Bên cạnh đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), một cửa ASEAN. Thực hiện điều chỉnh lại các chỉ tiêu về thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành với 198 thủ tục kết nối NSW. Tới đây cơ quan hải quan sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh kết nối các thủ tục hành chính của các bộ, ngành lên NSW cũng như lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dự kiến Hiệp định EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Khi tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-07-27/tan-dung-cac-co-che-uu-dai-tu-evfta-them-co-hoi-tang-thu-tu-xuat-nhap-khau-90028.aspx