Tận dụng 'thời điểm vàng' để chăm sóc, trồng rừng trên cát

Theo kinh nghiệm từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Ban Quản lý) đúc rút qua nhiều năm, thời tiết vụ thu-đông hàng năm (từ tháng 10-12) chính là thời điểm 'vàng' để trồng rừng trên cát. Bởi đây là quãng thời gian có những đợt mưa đầu mùa, nhiệt độ giai đoạn này giảm xuống, không còn nắng gắt, rất thuận lợi cho việc trồng rừng trên cát tại Quảng Bình...

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày gần đây, Ban Quản lý đã đẩy mạnh triển khai chăm sóc, trồng rừng trên cát theo kế hoạch đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn giao trong năm 2024.

Tiến hành trồng rừng trên cát tại địa bàn huyện Quảng Ninh.

Tiến hành trồng rừng trên cát tại địa bàn huyện Quảng Ninh.

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Đinh Thanh Quang cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng hiệu quả, ngoài chọn thời điểm thích hợp để trồng rừng thì việc lựa chọn, chuẩn bị cây giống là vấn đề quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây rừng sau này. Do đó, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chỉ đạo đội vườn ươm chú trọng việc ươm giống, chăm sóc cây con, thường xuyên đảo bầu (luyện cây) để thích ứng, tạo khả năng chống chịu với mọi điều kiện của tự nhiên.

Đặc biệt, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc, trồng rừng trên cát phù hợp với tình hình thực tế, lấy hiệu quả công việc làm thước đo trong thực hiện nhiệm vụ được phân công. Chẳng hạn, đối với kỹ thuật trồng rừng trên cát, đơn vị chọn thời điểm đầu mùa mưa, những ngày có thời tiết râm mát hoặc có mưa nhỏ, không có gió heo may để trồng.

Trước khi trồng phải tháo bỏ vỏ bầu, không được làm vỡ bầu hay biến dạng bầu; đặt cây con đã được tháo vỏ bầu ngay ngắn vào hố đã được trộn phân bón, giữ cây thẳng, cổ rễ nằm thấp so với mặt đất tự nhiên tối thiểu 30cm; cây con đưa vào trồng phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy phạm kỹ thuật quy định; cây sinh trưởng bình thường, cân đối, không cong queo, sâu bệnh, vỡ bầu; có hồ sơ chứng minh nguồn gốc cây giống theo quy định...

“Việc chăm sóc, trồng rừng ven biển có hiệu quả tại Ban Quản lý những năm gần đây đã phủ xanh nhiều đồi cát trắng, mang lại nhiều tác dụng quan trọng, thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho khu vực, như: Chống xói mòn và ngăn cát bay, chống xâm nhập mặn và giảm thiệt hại do thiên tai, tăng đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân địa phương, cải thiện chất lượng không khí... “, ông Đinh Thanh Quang chia sẻ thêm.

Trong năm 2024, từ nguồn vốn trồng rừng thay thế tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình, Ban Quản lý đã tiến hành triển khai thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Giáp Thìn năm 2024” tại xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) với diện tích 1,2ha (chủ yếu trồng cây phi lao, số lượng 2.420 cây). Bên cạnh đó, đơn vị còn tiến hành trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại xã Thuận Đức với diện tích 6,2ha (chủ yếu trồng cây lim xanh và huê mộc, số lượng 7.574 cây); trồng rừng thay thế diện tích rừng tự nhiên chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm thực hiện dự án đường nối từ bản Hang Chuồn đi khe Nước Lạnh, được triển khai tại các xã Sen Thủy, Ngư Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 8,2ha.

Cũng trong năm 2024, Ban Quản lý đã phối hợp trồng khắc phục cho Tập đoàn FLC. Cụ thể, đơn vị thực hiện trồng khắc phục diện tích rừng đã tác động khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng tại xã Cam Thủy, Ngư Thủy (Lệ Thủy) và Gia Ninh, Hải Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh) với diện tích 91,2ha (trồng cây phi lao, số lượng 333.919 cây). Đặc biệt, thực hiện dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp chống chịu với biến đổi khí hậu” (FMRC), năm 2024, Ban Quản lý đã và đang triển khai chăm sóc 220ha và trồng dặm lại những lô có tỷ lệ cây chết do nắng nóng để bảo đảm thành rừng cho đến hết thời gian kiến thiết (chăm sóc 5 năm) rừng trên cát của dự án FMCR tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh với số lượng 10 nghìn cây phi lao.

V.Minh

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/tan-dung-thoi-diem-vang-de-cham-soc-trong-rung-tren-cat-2221924/