Tận hiến cho nghệ thuật

Với các nghệ sĩ, tình yêu nghề và mong muốn lan tỏa tình yêu ấy là động lực để sáng tạo, cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú càng khiến họ thấy thêm trọng trách trong hành trình nghệ thuật của mình.

Các nghệ sĩ tại Lễ trao tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, sáng 6.3. Ảnh: Lại Tấn

Các nghệ sĩ tại Lễ trao tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, sáng 6.3. Ảnh: Lại Tấn

Nhập ngũ tháng 5.1972, nghệ sĩ Ma Thị Bích Việt trở thành chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp khi mới 18 tuổi. Ở môi trường quân ngũ, Bích Việt tiếp tục ấp ủ, nuôi dưỡng giọng hát cũng như bồi đắp tình yêu với người chiến sĩ, với quê hương đất nước, để rồi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, rồi là giảng viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

Chia sẻ tại Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú sáng 6.3, nghệ sĩ Bích Việt cho biết, ngay từ năm 1975 bà đã thu gần 100 ca khúc về biên giới, hải đảo, về người chiến sĩ và cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có các ca khúc như Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện của Hoàng Tạo, Hoa sim biên giới của Minh Quang, Khi xe tăng qua miền quan họ của An Thuyên…

“Quá trình hoạt động nghệ thuật, tôi nghiệm một điều phải có sự nhiệt tình với nghề, với tôi là nhiệt tình trong biểu diễn và sáng tác. Đến tuổi này, mặc dù mang nhiều bệnh trọng nhưng tôi vẫn yêu nghệ thuật, mong muốn phục vụ Nhân dân đến hơi thở cuối cùng”, Nghệ sĩ Nhân dân Ma Thị Bích Việt nói.

Cũng phục vụ quân ngũ 20 năm và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn, nghệ sĩ Lê Đức Trung (sinh năm 1939) trở thành nghệ sĩ cao tuổi nhấtđược trao tặng danh hiệu đợt này. Năm 1979, ông chuyển về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, là một trong những diễn viên hoạt động tại Nhà hát thời kỳ đầu tiên. Khán giả ấn tượng nhiều hơn cả với Lê Đức Trung khi ông vào vai Bác Hồ trên cả sân khấu và màn ảnh…

Nghệ sĩ Lê Đức Trung hiện vẫn đứng lớp giảng dạy diễn xuất, tham gia đóng phim truyền hình. Ông coi công việc này như một niềm vui, khiến cuộc sống tuổi xế chiều thêm phần ý nghĩa. Nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân dịp này với ông “là niềm vinh dự, hạnh phúc. Cuộc đời làm nghệ thuật hơn 60 năm, tôi chỉ biết yêu và cống hiến, đến hiện tại tôi truyền kinh nghiệm và tình yêu đó cho lớp trẻ, cũng là công việc trong tầm tay mình”.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế Nguyễn Ngọc Linh không giấu nổi niềm vui của một nghệ sĩ ca kịch Huế và miền Trung vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú lần này. “Trên niềm vui và hạnh phúc người làm nghề, bản thân tôi cũng rất lo lắng vì sau đây trách nhiệm của mình sẽ cao hơn, đòi hỏi phải cống hiến hơn nữa cho xứng với danh hiệu Đảng và Nhà nước trao tặng, cũng là góp phần gìn giữ, lưu truyền, đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống Thừa Thiên Huế phát triển, lan tỏa, mang nhiều sức sống mới”.

Với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, năm 2023 - 2024 là thời điểm khó quên đối với ông bởi những thành tựu đạt được trong cả sự nghiệp âm nhạc và công tác quản lý. Ông hạnh phúc không phải là những phần thưởng, danh hiệu, mà là sự lan tỏa từ các tác phẩm, từ những chương trình nghệ thuật mà ông cùng cộng sự thực hiện. "Ở công việc nào cũng vậy, từ sáng tác âm nhạc, hòa âm, phối khí đến biên đạo và dàn dựng, tôi đều cố gắng truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử và nhân văn, tạo ra được màu sắc mới, sáng tạo để đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất", Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/tan-hien-cho-nghe-thuat-i362132/