Tân Hoa hậu bị ví như 'cá chùi kiếng': Miệt thị cơ thể
Câu chuyện về cặp môi quá khổ của tân Hoa hậu Đại dương 2017 sẽ không đi xa đến vậy, nếu nó chỉ dừng lại ở quan điểm xứng đáng hay không xứng đáng đăng quang ở mỗi người.
Tối 29/10, mạng xã hội bùng nổ hình ảnh cô gái có đôi môi dày quá khổ, choáng hết gương mặt đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017. Tên cô là Ngân Anh, thí sinh 22 tuổi sở hữu nhan sắc đi ngược hoàn toàn với tiêu chí của một hoa hậu.
Tiêu chí này mặc định "người phụ nữ đẹp nhất" phải là một gương mặt phúc hậu, với đường nét thanh tú và đôi môi lúc nào cũng vẽ lên nụ cười duyên dáng. Nhưng với Ngân Anh, chỉ cần nhìn thoáng qua hoặc vô tình để ý đến, hình ảnh một nàng hậu với cặp mắt không to, khuôn miệng hơi rộng sẽ ngay lập tức in vào tâm trí người xem.
Sau một tuần kể từ ngày đăng quang, những mẩu tin tức về nhan sắc của Ngân Anh được truyền đi một cách vô vô tư và hài hước. Nhưng nhìn rộng hơn, và cũng sâu hơn vào những đánh giá, bình luận mà công chúng dành cho cô, vấn đề không đơn giản như thế.
Những nạn nhân của body shaming
Đầu năm 2016, trang Huffingtonpost từng lên án tình trạng những người trưởng thành, đa phần là phụ nữ, không tiếc lời chế giễu ngoại hình của Blue Ivy - con gái của cặp đôi quyền lực Jay Z và Beyoncé.
Họ thẳng thừng nói cô "quá xấu", không thừa hưởng chút nét đẹp nào của người mẹ nóng bỏng, có gương mặt tuyệt đẹp là Beyoncé. Thay vào đó, trông cô lại giống y đúc phiên bản nhỏ tuổi, nữ tính hơn của người cha Jay-Z.
"Blue Ivy xấu kinh khủng" là trong một những bình luận phổ biến trên Twitter. Gọi phổ biến là bởi từ khóa "ugly" (nghĩa gốc: xấu xí, ghê tởm) xuất hiện hầu hết trong những trạng thái. Họ ví đó là kiểu di truyền ngược, vì những đường nét thô kệch, cứng cáp của người đàn ông không thể nào áp vừa vặn lên mặt một cô gái.
"Mạt sát một đứa con nít chỉ mới 4 tuổi ư?", Huffingtonpost đặt câu hỏi. Rất nhanh sau đó, tác giả bài viết rút ra kết luận: Blue Ivy chính là nạn nhân điển hình nhất của body shaming. Đây là thuật ngữ dùng để miêu tả hành động lấy khiếm khuyết trên cơ thể ra để hạ thấp, chế nhạo hay miệt thị người khác.
Nhìn chung, body shaming tồn tại thông qua nhiều hành vi khác nhau, và nạn nhân của nó cũng trải dài ở nhiều đối tượng, không phân biệt độ tuổi, giới tính, quốc tịch hay màu da. Bóng dáng của nó hoặc lẩn khuất trong tâm trí chúng ta, hoặc được thể hiện qua lời nói, hành động của người ngoài.
Theo từ điển Macmillan, body shaming là hành động chỉ trích một ai đó dựa theo kích thược cơ thể của họ, thường quá béo hoặc quá gầy. Còn trong suốn sách Body Shame: Conceptualisation, Research and Treatman, hai tác giả Gilbert và Jeremy giải thích body shaming là những trải nghiệm xấu về bề ngoài và chức năng của cơ thể.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ thì định nghĩa đơn giản hơn, cho rằng body shaming là cảm xúc tiêu cực từ việc so sánh bản thân với một tiêu chuẩn văn hóa nào đó. Tiêu chuẩn này với những người nổi tiếng như hoa hậu, ca sĩ, diễn viên, người mẫu dĩ nhiên cao hơn.
Và thế là việc phải đẹp, phải phong cách, phải duyên dáng hay phải ốm được xem điều bắt buộc với họ. Tại Hollywood, ước tính có hơn gần 30 ngôi sao từng là nạn nhân của body shaming. Danh sách tiêu biểu gồm có Demi Lovato (bị tăng cân), Pink (giống đàn ông), Emma Stone (trông mệt mỏi), Kim Kardashian (vòng ba quá khổ),...
Một số ngôi sao khác như Taylor Swift, Lady Gaga, Ariana Grande, Gigi Hadid thì luôn bị cười cợt, gắn hình ảnh của mình với những đặc điểm bất lợi trên cơ thể như không có ngực, vòng một chảy xệ, chiều cao khiêm tốn và nhiều nốt ruồi. Vì đều là những tên tuổi thành công, họ đều ra sức phản khán để đẩy lùi tình trạng này.
Còn tại Hàn Quốc, nơi có nền giải trí khắc nghiệt bậc nhất, body shaming được xem là đặc quyền của khán giả trước những người nổi tiếng không đẹp. Họ có những cách ví von, so sánh hết sức tàn độc như "quái vật phẫu thuật thẩm mỹ" (Park Boom, Goo Hara), "hà mã" (Jimin, thành viên của AOA), "mặt to như lợn đất (Seo Hyun, thành viên của SNSD)...
Mặc cảm và áp lực về ngoại hình biến nền giải trí Hàn Quốc trở thành một cuộc đua tân trang nhan sắc.
'Cần phân biệt được đâu là giới hạn của và body shaming'
Sắc đẹp có rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng không phải tiêu chuẩn nào cũng được ca ngợi và xem là hình mẫu lý tưởng. Trả lời trên truyền thông và báo đài, nhiều giám khảo, chuyên gia vẫn luôn nêu cao quan điểm "Hoa hậu không nhất thiết phải đẹp", nhưng không đẹp sao được khi ngoài họ, vẫn có hàng triệu người mong chờ được chứng kiến một đại diện xứng đáng?
Và khi không xứng đáng, cảm giác thất vọng ắt kéo theo một loạt phản ứng gay gắt, thậm chí mang tính xúc phạm đến khiếm khuyết ngoại hình của nhân vật. Việc theo đuổi sự hoàn hảo được tạo ra từ những ám ảnh thường ngày khiến không ít người mất đi nhận thức rằng cái nào đúng và cái nào sai.
Trước đó vào tháng 9, Cao Ngân, người mẫu, thí sinh mùa All Stars của Vietnam's Next Top Model cũng từng rơi vào tình huống tương tự, khi những khoảnh khắc "gầy trơ xương" của cô được xuất hiện trên sóng truyền hình.
Nhiều khán giả đã ra sức chỉ trích Cao Ngân dùng chuyện cân nặng của cô để làm chất liệu gây cười cho những câu chuyện vô thường vô phạt trên mạng xã hội. Cực đoan hơn, có người còn trách cô thiếu trách nhiệm với bản thân và nên từ sự nghiệp thời trang.
Và một trường hợp không thể không nhắc đến chính là Đức Phúc. Quán quân Giọng hát Việt mùa 4 sở hữu chất giọng cảm xúc phải giảm cân, "đập mặt đi xây lại" vì không chịu nỗi những lời dè bỉu, châm chọc về thiếu sót ngoại hình.
Trở lại với Ngân Anh, câu chuyện về cặp môi quá khổ của tân Hoa hậu Đại dương 2017 sẽ không đi xa đến vậy, nếu nó chỉ dừng lại ở quan điểm xứng đáng hay không xứng đáng đăng quang ở mỗi người.
Nhưng khi những hình ảnh cắt ghép ví Ngân Anh giống một loài cá ở dưới biển, kèm theo những câu đùa cợt "cá chùi kính", "hoa hậu của các loài cá",... được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nó đã cổ vũ cho nạn body shaming.
Thay vì thắc mắc về việc cô sẽ làm gì để xứng đáng với chiếc vương miện, dư luận lại sa đà vào việc chê bai, châm chọc khiến cô phải hết lần này đến lần khác lên báo thanh minh về đôi môi của mình.
Trên trang cá nhân, nhiều ca sĩ, diễn viên, người có tầm ảnh hưởng cũng lên án tình trạng này. "Xâu xé, chà đạp nhan sắc của một cô gái là việc làm rất ác", ca sĩ Thanh Duy viết.
Thanh Thảo cũng đồng tình: "Cô ấy chẳng phạm pháp hay tội tình gì, chỉ là mong muốn vươn lên cái mục đích của đời mình, nếu chúng ta không thích thì không cần ngưỡng mộ hay lưu tâm".
Quyết liệt nhất là MC Phan Anh, anh không ngần ngại gọi việc đem ngoại hình của một Hoa hậu hay phụ nữ nói chung là việc rất hèn hạ, không nên xảy ra.
Chia sẻ với Zing.vn, Lan Khuê cho biết, là một người mẫu và từng tham gia các cuộc thi hoa hậu, cô cũng nhận thức rõ tình trạng body shaming trong giới giải trí: "Trong cuộc sống hằng ngày dù là những người làm giải trí, nghệ thuật, thậm chí cả những tầng lớp trí thức vẫn còn nhiều bộ phận chưa phân biệt được đâu là giới hạn của bình luận, tranh luận, nhận xét và body shaming.
Cô cho rằng dù đó chỉ là sự thỏa mãn cho những cảm xúc bộc phát, hậu quả mà nó để lại vẫn rất lớn. "Không ai trong chúng ta muốn bị xúc phạm thì người khác cũng sẽ như thế. Phông văn hóa, ý thức và lòng trắc ẩn là những điều sẽ giữ cho chúng ta sự tỉnh táo, cẩn trọng đúng mực trong những phát ngôn" - cựu huấn luyện viên The Face kết luận.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tan-hoa-hau-bi-vi-nhu-ca-chui-kieng-miet-thi-co-the-post792858.html