Tân Hưng - Hỗ trợ nông dân sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết (NQ) Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tham mưu Huyện ủy ban hành NQ số 06-NQ/HU, ngày 30/12/2020 về nâng chất, mở rộng diện tích thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Chương trình được triển khai đồng bộ, được người dân đồng thuận cao và đạt kết quả thiết thực, góp phần đưa NQ vào cuộc sống, đời sống người dân được nâng cao.

Ứng dụng công nghệ trong thu hoạch lúa giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất

Ứng dụng công nghệ trong thu hoạch lúa giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất

Xác định lúa là cây trồng chủ lực nên huyện hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xem đây là hướng đi tất yếu nhằm thúc đẩy nông nghiệp sạch phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu. Hàng năm, UBND huyện ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu NQ số 06 và quan tâm lãnh, chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân. Ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật triển khai mô hình lúa ƯDCNC. Đến nay, huyện xây dựng mô hình điểm, nâng chất và nhân rộng lúa ƯDCNC được 14.710/12.070ha, đạt 121,9% kế hoạch.

Vĩnh Lợi là một trong những xã được tỉnh và huyện Tân Hưng chọn làm điểm triển khai mô hình lúa ƯDCNC. Toàn xã có 3 hợp tác xã (HTX) hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Đến nay, xã có 1.100ha lúa ƯDCNC (đạt chỉ tiêu huyện giao giai đoạn 2021-2025). Hiện xã làm hồ sơ đề xuất lấy mẫu gửi đến cơ quan chuyên môn của tỉnh để công nhận sản phẩm lúa đạt chuẩn VietGAP và đang thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, phấn đấu đến năm 2030, toàn xã có 2.700/3.000ha lúa ƯDCNC.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi - Võ Hồng Vân cho biết: “Qua triển khai, thực hiện các mô hình lúa ƯDCNC trên địa bàn xã cho thấy việc áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 6 giảm” giúp nông dân giảm lượng giống trung bình 20kg/ha; cây lúa ít sâu, bệnh, góp phần giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/ha. Các mô hình điểm đều sử dụng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón URE hoặc DAP từ 20-50kg/ha.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học, đặc biệt là phân bón hữu cơ trong sản xuất làm cho đất được cải tạo tơi xốp, tăng độ phì nhiêu nên cây lúa xanh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu trong thời gian tới”.

Ngành chuyên môn cùng người dân thăm mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi

Ngành chuyên môn cùng người dân thăm mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao tại ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi

Toàn huyện có 28 HTX, trong đó có 22 HTX dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX nuôi trồng thủy sản và 2 HTX chăn nuôi. Hoạt động của các HTX từng bước đi vào thực chất. Các chính sách hỗ trợ người dân sản xuất trong mô hình luôn được quan tâm. Đến nay, huyện hỗ trợ 6 HTX thực hiện 6 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC (1 mô hình điểm và 5 mô hình nhân rộng) với kinh phí hỗ trợ 1,4 tỉ đồng từ nguồn ngân sách huyện.

Thành viên HTX Nông nghiệp Cả Nổ - Nguyễn Thành Đức (ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Tham gia HTX, chúng tôi khắc phục được một số hạn chế của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm trong lao động, sản xuất. Người dân được tập huấn, tiếp cận thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật và những chính sách của Nhà nước như giống xác nhận, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái,... Qua đó, giúp nông dân chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp sạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng lợi nhuận”.

Đi đôi đó, kết cấu hạ tầng phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Năm 2024, huyện có 12 công trình do tỉnh làm chủ đầu tư, trong đó có 4 công trình chuyển tiếp năm 2023 và 8 công trình đầu tư mới. Công trình do huyện làm chủ đầu tư chuyển tiếp năm 2023 là 7 công trình, trong đó đưa vào sử dụng 4 công trình, còn lại 3 công trình đang thi công.

Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp trên, Huyện ủy, UBND huyện cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chuyên môn, nông dân ngày càng tin tưởng, mạnh dạn áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ và khoa học. Từ đó, diện tích các vùng sản xuất lúa ƯDCNC được nâng chất và mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và nâng cao thu nhập cũng như đời sống của người dân./.

Ngọc Mận

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tan-hung-ho-tro-nong-dan-san-xuat-lua-ung-dung-cong-nghe-cao-a185309.html