Tản mạn xuân và tết cổ truyền
Khi xuân chạm vào cánh cửa thời gian và vẻ đẹp của mùa đã phủ sắc hồng lên cánh đào, thì tết cũng về dưới hiên nhà. Một năm khởi đầu ở thời khắc của sự sinh sôi, hay của sự sống ở độ dạt dào nhất, mang theo tất cả niềm háo hức cùng kỳ vọng của con người về cuộc sống hạnh phúc và sự an yên cho tâm hồn.
Hoa xuân xuống phố.
Mùa xuân, theo cách lý giải khoa học, là khi trái đất nghiêng dần về phía mặt trời và giờ chiếu sáng tăng lên. Trái đất được sưởi ấm sau khoảng thời gian dài lạnh lẽo mùa đông và thảm thực vật cũng nhờ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cái đặc trưng riêng có ấy của mùa xuân, không hiểu vì sao lại “ứng” một cách hoàn hảo với quan niệm phương Đông truyền thống, nhất là với người Việt, khi cho rằng xuân là mùa của mọi sự tái sinh và khởi phát. Vậy nên, một năm bắt đầu bằng mùa xuân và Tết Nguyên đán là dấu ấn đậm nét nhất của thời khắc giao mùa, để xuân đi trọn vẹn hành trình của nó. Tết có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt, đến nỗi nó không chỉ là một sinh hoạt văn hóa đơn thuần, mà từ lâu bản thân nó đã là một thành phần trong cấu trúc văn hóa dân tộc. “Văn hóa tết”, cụm từ ấy đã bao hàm trong đó là thế giới quan, nhân sinh quan, thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng cổ truyền, cách đối nhân xử thế và nhiều giá trị nhân sinh, nhân văn tốt đẹp của người Việt và dân tộc Việt.
Những ngày cuối năm, cái cảnh mưa bụi như rắc phấn lên đất trời và rét ngọt thấm đẫm da thịt, đã trốn đi đâu mất. Chỉ có nắng mơn man nở rộ trên cành đào đã chẳng thể đợi được hơi lạnh về. Ngược xuôi phố chiều người xe tất bật và mệt nhoài lo toan, bỗng nhớ về cái tết của những ngày thiếu thốn vật chất, mà chộn rộn tiếng cười. Vị tết ấm áp và thơm mùi củi lửa dưới nồi bánh chưng sôi sùng sục. Quanh bếp lửa hun đỏ đôi má nứt nẻ của lũ trẻ, ông bà, cha mẹ ta vẫn thường thì thầm những chuyện chẳng bao giờ cần cốt truyện. Nào chuyện con lợn mấy nhà chung nhau làm thịt ăn tết, vẻ như sẽ nhiều nạc ít mỡ; hay chuyện con gà trống dành cúng giao thừa có 2 cựa đẹp, hẳn là dự báo điềm lành. Rồi thì chuyện làng vừa sửa sang lại mái đình trông thật tươm tất; hay chuyện các bà, các cô đang tập luyện điệu múa đèn chuẩn bị hội làng... Thế nhưng, những đoạn thoại tưởng chừng rời rạc ấy, cứ như sợi tơ đan cài, quấn chặt lấy nhau mà dệt thành cái gọi là nền nếp gia phong, là gia đình dòng tộc, là tình nghĩa xóm giềng và thành cái “mảnh hồn làng” đã níu giữ, neo đậu tâm hồn những kẻ xa xứ “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.
Tết khơi gợi dậy những “niềm nhớ”, những kỷ niệm ăm ắp đã hằn sâu trong tiềm thức. Vị tết của niềm ngưỡng vọng và tri ân dành gửi đến người đã khuất, như nhắc nhở cháu con về cội nguồn tiên tổ. Vị tết của sự linh thiêng và nghiêm cẩn trong thời khắc giao thừa tống cựu nghênh tân. Vị tết ấm áp và hạnh phúc trong mâm cơm tất niên chiều 30, cùng chén rượu nồng hương nếp và những dự định tốt đẹp cho năm mới đủ đầy, an lạc. Vị tết của niềm vui và sum họp, khi chờ đón những đứa con xa quê trở về đoàn tụ. Vị tết rạo rực và tươi mới hằn trên câu đối đỏ, mâm ngũ quả, cành đào phai và cây nêu đầu ngõ. Vị tết xốn xang và chộn rộn với lễ lạt nơi sân đình và câu hát huê tình đậm phong vị quê kiểng mộc mạc. Vị tết của niềm hân hoan và háo hức trẻ nhỏ với quà bánh, xống áo và tiền mừng tuổi...
Tết nay đã khác xưa nhiều. Đời sống khá giả hơn, lối sống và quan niệm về tết cũng từ đó mà thay đổi theo. Cái cảnh tất bật lo tết từ trước 23 tháng Chạp, nào là sửa sang nhà cửa, chợ búa mua bán, giết gà mổ lợn, giã giò gói bánh, dựng nêu vẽ cung... đã vơi bớt ở nhiều làng quê và ngày càng vắng bóng ở các đô thị. Công việc dồn dập những ngày cuối năm, thành thử việc sắm tết thường phải lui tận 29, 30. Nhưng rồi, chỉ cần chạy xe một vòng cũng đủ để sắm sanh nào thịt cá, giò chả, rau quả, bánh trái, bia rượu, hoa lá. Có cầu kỳ hơn chăng là thêm chút thời gian tìm mua cành đào hay cây quất ưng ý. Dẫu đủ đầy là vậy, song cảm giác như tết đã thiếu mất hay vơi đi cái phong vị đặc trưng và đậm đà riêng có của nó.
Chưa hết, thay vì chú trọng đến ăn tết như trước đây, thì ngày nay, tết đang trở thành dịp để nghỉ ngơi và vui chơi. Vậy nên, nhiều gia đình đã biến những ngày nghỉ lễ dài này thành kỳ nghỉ dưỡng, để thăm thú cảnh sắc hay trải nghiệm những nền văn hóa, những miền đất mới. Và rồi, những lo toan tết nhất, những lễ lạt quà cáp, những chúc tụng thăm hỏi... tất cả cũng trở nên giản tiện nhất có thể. Dẫu rằng trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi cả trong quan niệm lẫn lối sống, âu cũng là một lẽ tất yếu. Hơn thế nữa, văn hóa vốn dĩ luôn động và có tính mở cao. Song, như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa đã nêu rõ, văn hóa Việt Nam là nền văn hóa “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”. Cho nên, dù mở, dù linh hoạt đến mấy, bên cạnh việc gạn lọc để đón nhận cái mới, cái tiến bộ; thì cái tâm của văn hóa Việt Nam vẫn luôn là những giá trị tinh hoa, tinh túy nhất của thuần phong mỹ tục, của truyền thống yêu nước thương nòi, của lòng tự hào và tự tôn dân tộc... Để rồi, tết cổ truyền với ý nghĩa to lớn và những giá trị không thể thay thế của nó, đã và sẽ luôn là phần quan trọng trong tinh hoa văn hóa dân tộc. Đồng thời, được cả dân tộc đề cao, trân trọng, gìn giữ, vun đắp và trao truyền.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tan-man-xuan-va-tet-co-truyen/113235.htm