Tân quan - tân chính sách?

Định hướng chính sách của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt trong quan hệ với Nga có thay đổi sau khi cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trở thành tân Tổng thư ký?

Ngày 1/10, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chính thức trở thành tân Tổng Thư ký NATO, thay thế ông Jens Stoltenberg. Rõ ràng, việc tìm kiếm người ngồi vào “ghế nóng” là điều không dễ dàng khi nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg kéo dài tới 10 năm (từ 2014 đến 2024).

Theo chuyên gia Vladimir Olenchenko thuộc Viện Kinh tế toàn cầu và Quan hệ quốc tế Nga, sự khó khăn trong việc tìm kiếm tân Tổng thư ký NATO xuất phát từ Mỹ, quốc gia luôn giữ một vai trò chính trị - quân sự quan trọng trong NATO. Bất cứ một ứng viên nào cần phải có sự chấp thuận từ Mỹ, cần phải biết rằng, ông Stoltenberg đã tại vị dưới thời cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa nắm quyền lực ở Mỹ.

Trong số các ứng viên lần này có cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace, song cả hai đều bị từ chối. Các ứng viên này nổi bật bởi sự độc lập trong phán đoán và có lo ngại rằng họ sẽ hành động chủ yếu vì lợi ích của nước Anh. Trong khi đó, do đã chi khá nhiều cho việc duy trì năng lực phòng thủ của NATO, nên tất nhiên, Mỹ cần đến vai trò của khối để thể hiện vị thế siêu cường số 1 trên thế giới.

Washington cần một nhân vật dễ quản lý với tư cách là Tổng thư ký NATO, nhưng mặt khác, yêu cầu có tiếng nói quan trọng về mặt chính trị. Đối với các điều kiện này, các ứng viên đến từ Đông Âu, như cựu lãnh đạo Croatia và Lithuania, có vẻ như không phù hợp. Các ứng viên này có lợi từ quan điểm quản lý, nhưng lại không có quyền lực chính trị như các quốc gia thành viên NATO khác.

Trong bối cảnh đó, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte được xem là ứng viên phù hợp nhất. Ông Rutte có kinh nghiệm quản lý phong phú và từng làm việc cho nhiều tổ chức đa quốc gia. Trên cương vị Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte đã thiết lập và duy trì các mối quan hệ hiệu quả với lãnh đạo các quốc gia đồng minh. Ông không chỉ được hoan nghênh vì kinh nghiệm làm việc với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà còn được coi là có khả năng xây dựng đồng thuận, trung hòa quan điểm giữa Tây Âu và Đông Âu, bên thường mong muốn những hành động quyết liệt hơn, về vấn đề Ukraine. Một số quan chức chỉ ra khả năng thương thuyết, xây dựng đồng thuận của ông Rutte được thể hiện ở việc trong nhiệm kỳ 14 năm, đảng VVD của ông đã liên kết với nhiều đảng có quan điểm khác biệt rất lớn nhằm thiết lập chính phủ. Những liên minh này được nhận xét là “tưởng chừng như không thể”.

Tuy nhiên, các câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có những thay đổi định hướng chính sách đáng kể của NATO sau khi thay đổi ban lãnh đạo. Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Tổng thư ký. Nhiệm vụ chính của Tổng thư ký NATO là tổ chức cơ cấu hoạt động và đại diện cho liên minh ở cấp độ quốc tế. Mark Rutte có kỹ năng tổ chức, kinh nghiệm hành chính sâu rộng và biết cách xây dựng mối quan hệ với các đối tác. Vì vậy, hoạt động của NATO được kỳ vọng sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy hiệu quả cao thời gian tới.

Cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến xu hướng quan hệ Nga - NATO thời gian tới. Tuy nhiên, với chủ trương ủng hộ mạnh mẽ Ukraine của tân Tổng thư ký Mark Rutte, hy vọng mối quan hệ Nga - NATO hạ nhiệt để cùng kiến tạo hòa bình cho thế giới là không nhiều. Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ Hà Lan, Mark Rutte nhất quán theo đuổi chính sách hỗ trợ Ukraine và chủ trương cung cấp viện trợ quân sự mạnh mẽ cho nước này. Xe tăng Leopard, hệ thống tên lửa phòng không Patriot, xe bọc thép, pháo và súng cối lần lượt được chuyển đến Kiev từ kho vũ khí của Hà Lan. Hà Lan cũng huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 và là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên bàn giao, cho phép quân đội Ukraine sử dụng F-16 tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngay khi nhậm chức Tổng thư ký NATO, Mark Rutte tuyên bố hỗ trợ Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông Rutte hứa sẽ nỗ lực đưa Kiev đến gần hơn với tư cách thành viên của liên minh.

Tất nhiên, chỉ dựa trên những tuyên bố trên của ông Rutte, thật khó để đưa ra kết luận về xu hướng quan hệ Nga - NATO thời gian tới. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách bộ máy lãnh đạo NATO được hình thành - những nhân vật nào sẽ chiếm những vị trí quan trọng trong liên minh. Liệu nhiều quan chức từ thời Jens Stoltenberg có còn ở lại hay Mark Rutte sẽ đích thân đề bạt ai và đảm nhiệm những chức vụ gì, cũng như những chuyên gia nào sẽ được Mỹ đề cử? Tuy nhiên, ngay cả khi có thêm đại diện của các phe trong bộ máy lãnh đạo mới, thì cơ hội đối thoại mang tính xây dựng giữa Moscow và NATO sẽ khó xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Trên thực tế, kể từ năm 2022, toàn bộ nền tảng hợp tác chung mà Moscow và NATO xây dựng trong nhiều năm đã bị phá hủy. Và chắc chắn, việc thay thế Jens Stoltenberg bằng một tân Tổng thư ký khác cơ bản là sẽ không thể tìm ra lối thoát cho tình thế khó khăn hiện nay.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tan-quan-tan-chinh-sach-226457.htm