Tân sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập

Mấy hôm trước, các anh chị bên VTV6 mời nói về chủ đề Tân sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập. Đây là chủ đề không xa lạ gì với tôi, vì tôi đã phụ trách nội dung hàng loạt chương trình Chào tân sinh viên do báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức từ nhiều năm nay. Trước đó, tôi cũng là chủ biên các ấn phẩm 'Cẩm nang tân sinh viên' của báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò.

Tôi xin tóm tắt lại một số suy nghĩ sau khi tham gia chương trình.

Đầu tiên là về nhà trọ.

Thời nào cũng vậy, thử thách đầu tiên với tân sinh viên từ tỉnh xa lên Hà Nội là tìm được một chỗ ở phù hợp, “an cư” thì mới “lạc nghiệp”! Ký túc xá trong trường thường hết chỗ rất nhanh, nên đa phần sinh viên phải tìm đến những khu nhà trọ sinh viên gần trường mình học. Ở trọ là phần mở đầu cho cuộc sống tự lập của mỗi tân sinh viên và thực tế nó không “đen tối” như suy nghĩ của nhiều bạn chưa bao giờ sống xa gia đình.

Ở nhà được sống theo ý mình, khi sống chung phải tuân theo các nội quy của phòng trọ, nên cảm giác khó chịu, bực tức là đương nhiên (Hãy học cách làm chủ cảm xúc: Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công!).

Ở nhà mình nhiều khi bố mẹ còn phải chịu đựng mình, khi ở chung phòng trọ thì chẳng ai chịu đựng bạn, vì các thành viên khác có phải là bố mẹ của bạn đâu (Hãy giảm bớt cái tôi của mình xuống để sống hòa đồng cùng mọi người trong phòng, trong khu trọ!).

Ở đâu cũng có người tốt người xấu nên nếu bạn không tỉnh táo thì việc bị lừa đảo lúc mới chân ướt chân ráo lên Thủ đô đi thuê chỗ trọ cũng là bình thường (Hãy coi đây là học phí để sau này làm bất cứ việc gì cũng phải suy xét cẩn trọng!).

Nếu bị bạn cùng phòng chửi mắng vì một sự hiểu lầm nào đó thì cũng chẳng có gì phải buồn vì bạn làm truyền thông kém (Hãy học cách giao tiếp và truyền thông điệp đến những người xung quanh!).

Nếu bị bạn cùng phòng lợi dụng/chơi xấu một vài lần, đừng suy nghĩ nhiều vì cuộc đời là thế (Hãy học cách đánh giá con người và sự tha thứ!).

Nếu bạn thích cái này mà bạn cùng phòng lại thích cái khác thì cũng là lẽ bình thường vì mỗi người có một hệ quy chiếu riêng (Hãy tôn trọng sự khác biệt của nhau!).

...

Tóm lại, không nên lo lắng đến mức sợ hãi khi ở trọ, bởi xét cho cùng, đây chỉ là thử thách đầu tiên để mình đạt được mục tiêu quan trọng nhất của đời sinh viên: Tấm bằng đại học và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống việc làm.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh trong một buổi nói chuyện với học sinh lớp 12.

Thử thách thứ hai là thích nghi với cách học và nghiên cứu ở giảng đường. Trường đại học là nơi cung cấp cho sinh viên phương pháp học tập và tư duy bài bản nhất. Và đương nhiên, nó rất khác với những gì các bạn tân sinh viên đã trải qua ở bậc THPT. Tuy nhiên, cũng chẳng có gì phải hốt hoảng vì:

1. Thầy cô nào cũng hiểu tân sinh viên vừa học xong lớp 12 và mong tân sinh viên hiểu nhanh, hiểu đúng những gì họ giảng. Vì thế, hãy chủ động đón nhận kiến thức các thầy cô trao gửi. Cái gì chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi lại thầy cô. Nếu vẫn chưa hiểu thì đi hỏi lại những bạn trong lớp đã hiểu.

2. Học tập và nghiên cứu ở trường đại học là cả một hành trình dài 4-6 năm, trên hành trình ấy không ai thay được mình. Đường dài mới biết ngựa hay, nên nếu khởi đầu thấy có nhiều bạn giỏi hơn mình, siêu hơn mình thì cũng đừng sợ đến mức không dám phát biểu trong giờ học.

3. Nếu thấy bạn giỏi hơn mình, thì đừng vội vàng mù quáng rập khuôn theo cách của bạn vì bạn và mình khác nhau. Hãy sớm tự tìm cho mình một phương pháp học tập và nghiên cứu phù hợp nhất với bản thân.

4. Nếu thấy cô thủ thư có tuổi khó tính (giả định vậy thôi chứ thực tế tôi gặp rất nhiều bạn thủ thư trẻ trung, xinh đẹp, thân thiện) thì cũng đừng sợ đến mức lười đến thư viện, bởi chỉ có đọc (nhiều) sách (dù là sách giấy hay điện tử) bạn mới có nhiều kiến thức. Và cô thủ thư nào cũng yêu mến những bạn đọc nhiều sách, trân quý sách.

5. Làm bài tập nhóm là một thử thách với nhiều bạn tân sinh viên, nhưng đây cũng là điểm khởi đầu cho một khái niệm ai cũng thích làm chủ: Teamwork (làm việc nhóm). Khái niệm này sẽ đi cùng bạn cho đến tận lúc bạn ra trường, bạn đi làm.

6. Cuối cùng, hãy nhớ cho thật kỹ, học tập và nghiên cứu cũng giống như bạn làm bất kỳ công việc nào khác, luôn cần sự tập trung, kiên trì, tận tâm, trách nhiệm...

Thử thách thứ ba là học các kỹ năng mềm ngoài kiến thức chuyên môn. Đừng sợ khi ai đó nói sinh viên thiếu đủ thứ kỹ năng mềm, nên phải vội vàng đi học ngay từ năm thứ nhất. Phải tỉnh táo để không mắc bẫy các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm mà thực chất là để dụ tân sinh viên tham gia các đường dây bán hàng đa cấp bất chính. Trong năm đầu tiên, chỉ nên tập trung ưu tiên cho các môn học trên lớp và cố gắng tìm ra được một phương pháp học tập hiệu quả nhất cho bản thân. Đến năm thứ hai đi học kỹ năng mềm cũng chưa muộn.

Kỹ năng mềm đầu tiên mà sinh viên học chuyên ngành gì cũng cần học là ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Phải học đến nơi đến chốn, hiểu một cách đơn giản là phải giao tiếp thành thạo được với người nước ngoài. Khi học tiếng Anh ở những trung tâm uy tín, bạn cũng thường được dạy những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Cũng không nên học nhiều kỹ năng mềm trong một lúc vì: (1) Bạn không có nhiều thời gian, đừng để việc học kỹ năng mềm ảnh hưởng đến việc học kỹ năng cứng (các môn học chính khóa); (2) Làm một việc gì tập trung cũng sẽ hiệu quả hơn. Lưu ý cuối cùng, việc tham gia vào các hoạt động Đoàn-Hội trong lớp, trong trường cũng là một kênh để rèn luyện các kỹ năng mềm rất hiệu quả.

Thử thách thứ tư là đi làm thêm. Đừng cuống cuồng đi tìm việc làm thêm ngay từ năm thứ nhất nếu điều kiện kinh tế gia đình không quá khó khăn; tùy theo từng chuyên ngành nhưng thông thường, thời điểm lý tưởng nhất để đi làm thêm là năm thứ ba. Việc làm thêm phải liên quan đến chuyên môn mình đang học ở trường và không bao giờ được để việc làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nữ sinh học sư phạm không nên đi làm thêm tại quán bar, nam sinh công nghệ thông tin không nên đi bốc vác..., những công việc làm thêm như thế này chẳng bổ sung được gì cho chuyên ngành mình đang học. Và đặc biệt, phải tránh xa bán hàng đa cấp bất chính bởi làm giàu chưa bao giờ là dễ dàng.

Nếu gia đình quá khó khăn về kinh tế thì việc đi làm thêm từ năm thứ nhất là đương nhiên, nhưng bù lại, bạn phải chịu khó thức khuya hơn các bạn để nạp đủ kiến thức của các thầy cô truyền giảng trên lớp.

Thử thách thứ năm là chuyện tình cảm. Mới năm thứ nhất thì đừng sốt ruột vì chưa có người yêu. Bạn nữ đừng vội vàng chấp nhận yêu một ai đó chỉ vì đứa bạn cùng phòng đã có người yêu. Bạn nam đừng đặt ra mục tiêu phải cưa đổ các bạn nữ chỉ để thỏa mãn tò mò tình dục. Tình yêu phải bắt nguồn từ hai phía một cách tự nhiên và để cùng nhau tiến bộ. Đừng tối mắt tối mũi vục mặt vào yêu để ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai. Hãy nhớ: Nhiệm vụ quan trọng nhất của quãng đời sinh viên là học tập, nghiên cứu, rèn luyện để có một tấm bằng đẹp và những kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai, còn những thứ khác có hay không không quan trọng. Và một điều tối quan trọng nữa là yêu hay làm bất cứ việc gì cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng và có trách nhiệm với hành vi của mình.

(Trích từ "Trường học hay Trường đời 2")

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tan-sinh-vien-truoc-nguong-cua-tu-lap-post1280533.tpo