Tản văn Nguyễn Ngọc Tư: Giả tưởng sau tận thế (1)

Quang cảnh lúc ấy sẽ như mấy bộ phim hậu tận thế (cũng là những giả tưởng buồn thiu khác): bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc trắng như muối hầm. Và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hai trăm lẻ bảy độ.

“Tóc mày sẽ phựt cháy trước nhứt, mùi hệt như ta đốt đồ mủ”, người cha nói, ông luôn phải cảnh báo thằng con trai tuổi ngoài bốn mươi của mình, người dạo gần đây hay nhìn qua lớp kính đã được dán lớp cách nhiệt tối ám trên mái vòm, ngó nắng ngoài kia. Vừa nói, ông già vừa chìa đầu ra, hướng sự chú ý của gã con vào đó, chứng minh ông không đe dọa suông. Tóc ông đã cháy rụi, rám cả mảng da đầu. Hai vai sẹo vắt dài. Hồi đó họ mở cánh cửa ở Ngầm 27 để gia cố mái vòm và quên đóng lại, ông già lúc ấy xỉn mèm đã lạc ra ngoài. Khoảnh khắc chỉ vài ba phút nhưng kịp làm nên những vết cháy chín ngấu sâu trong thịt. Ở bệnh viện họ lấy một phần cơ đùi ghép vào mấy vết thương, rồi nhiễm trùng, rồi lại ghép ghép nối nối. Ông già suýt không giữ nổi mạng, bởi vì dính chút nắng vào người.

Nhưng gã con không vì chuyện nọ mà thôi say nắng ngoài kia. Gã nhận ra nắng đã đổi màu, bất chấp mái vòm thâm u năm này sang năm khác. Trong đầu gã lần lượt xuất hiện hình ảnh dây tơ hồng, mật ong sóng sánh tươm ướt, thủy tinh tráng mỏng, lông của con sâu trên lá, viền của một suối tóc đàn bà khi cúi xuống hôn.

“Giờ là tháng Chín, chắc luôn”, gã mơ màng, “khỏi nhìn lịch cũng biết”. Ông già tức điên lên, tháng Chín thì sao, nắng ngoài kia có chuyển màu gì thì đó vẫn là thứ nắng giết chóc, và ông suýt bị nó thiêu rụi.

“Đẹp thì độc, thứ nắng đó như má mày vậy”, ông già gắt. Chắc ông muốn nhắc tới người đàn bà đã bỏ ông đi theo người khác. Chuyện đó cũng đã lâu rồi, hồi gã con mới chín tuổi, ông già cũng kịp cưới thêm vài bà vợ nữa, nhưng vẫn ghi hận không nguôi. Ông nói tình đầu của một người quyết định cuộc đời của anh/chị ta. Mặc dù gã con cảm thấy chuyện ông thua trong lần tranh cử thị trưởng, hay lỗ lã khi đầu tư vô nhà máy mưa nhân tạo, hao hụt gia sản sau mấy cuộc ly hôn, những chuyện đó chẳng liên quan gì đến tình đầu. Nhưng ông già vẫn lôi bà mẹ mà gã không còn nhớ mặt, để đổ lỗi cho mọi rủi ro mà ông gặp phải trong đời. Quá khứ như cái đuôi ngày càng dài ra, và ta thì không biết khi nào nó quất ngược trở lại để mà tránh đòn sát thương.

“Nắng này mà ra hồ ngồi câu cá thì hết sảy”, gã con mơ màng, không đếm xỉa thái độ hậm hực, và cả bất lực của người cha, như thể ông già đang đứng trước con bịnh đang hấp hối. Ông già biết khó cản nổi những hồi nhớ của một kẻ đã từng tắm mình trong nắng tháng Chín, thứ nắng đã gặp một lần trong đời là đến chết không quên. Nhưng gã con lậm sâu hơn, bởi đã trải qua mười bảy cái tháng Chín, trước khi mặt trời bắt đầu nung chảy mọi thứ mà nó chiếu vào, và con người rút xuống lòng đất, tạo nên thế giới Ngầm.

Trong Ngầm cũng có nắng, và mặt trời. Hết thảy đều được tái tạo sống động, y như thật. Mọi thứ được giả lập tinh tế, cũng nắng nghiêng sớm mai cũng nắng xiên khoai chiều tà, cũng những ngày bầu trời nhân tạo đầy mây, và mưa rào hoặc mưa kèm dông trên diện rộng. Mưa nắng được lập trình sẵn từ đầu năm, trước khi trình lên hội đồng Ngầm, và làm sao cho không năm nào giống năm nào. Người ta không còn nhớ tiếc thứ ánh sáng thật, bầu khí quyển thật ở thế giới mà họ bỏ lại khi tháo chạy. Cả cây cỏ cũng bị thứ ánh sáng nhân tạo đánh lừa, chúng đâm nhánh, ra hoa, kết trái. Hướng dương bất chấp mặt trời nào, vẫn bưng hoa đón lấy. Chỉ hương thảo, chắc là nhạy cảm quá mức với môi trường, đã diệt vong.

Nhưng họ không tái tạo được cái nắng tháng Chín. Họ không thể tráng gương không khí, một lớp mỏng ngọt, lanh lảnh. Họ không biết làm sao để làm nên cái sắc vàng của thứ nắng làm lá cây cũng uống căng trước khi làm cuộc gieo mình. Nên mỗi tháng Chín về, ở Ngầm sẽ có một đám người nhớ nắng cũ đến oặt ẹo, không thiết làm gì, trèo lên mái vòm nằm nhìn lại bầu trời cũ. Những đứa trẻ sinh ra ở Ngầm không biết tại sao có thứ hoài nhớ vô lý vậy, chúng lục lọi cả ngàn quyển sách, tìm kiếm những trang viết miêu tả thứ nắng thu làm đám người nọ phát khùng, nhưng chúng không sao cảm nhận được. Con chữ có tài tình thì cũng không tả hết sắc độ của nắng tháng Chín, bởi nó sinh ra không phải được tả, mà để người ta tắm, uống, tê dại, hoặc treo mình lên cây hoặc chìm vào tận đáy; để người ta nhớ tiếc rũ riệt.

Như gã đó, nằm mãi chỗ mái vòm, không thiết gì, ngó trời ngoài kia. Phát nản cái cảnh chồng/cha mình bỏ công ăn chuyện làm, lơ mơ như chết rồi, tháng Chín nào vợ con gã cũng kéo va li đi du lịch. Ở Ngầm không có nghĩa là người ta từ bỏ đam mê xê dịch, tàu điện tốc độ gần bằng máy bay xuyên qua những đại dương, chúng luôn hân hoan để cửa chờ khách. Gã lên tầng có mái vòm, nằm mãi. Ngày càng ít người lên đó, họ quên nắng tháng Chín, hoặc đã chịu hết nổi, đi gặp nó. Tin tức cuối cùng về vụ nắng cháy người cũng đã chục năm trước, gã nhớ cột báo ngay cạnh có viết về buổi họp thượng đỉnh bàn chuyện vá tầng ozon. Không biết nắng ngoài kia đã dịu lại chưa. Phải có ai đó mở cửa Ngầm ra coi thử.

“Bữa đó ngồi câu, thấy sương bốc hơi trên lá sen”, gã nói với ông già. Và người cha tuyệt vọng đến nỗi không muốn nói gì nữa, bởi như nhìn thấy cái viễn cảnh thằng con mở cánh cửa ở Ngầm 86 và bước ra ngoài.

Giả tưởng là còn có ai đó nhớ mặt trời thật ngoài kia, không phải là người ta đã quen rồi mưa nắng và mặt trời giả, như con chim quen lồng. Còn có ai đó bước ra ngoài, cháy rụi cũng được, còn hơn núp mãi dưới hầm sâu. Biết đâu, nắng đã nguội từ hồi nào, họ không nói ra bởi mọi người sống trong lồng thì trông coi nhau dễ.

Tản văn: Nguyễn Ngọc Tư - Minh họa: Kim Duẩn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tan-van-nguyen-ngoc-tu-gia-tuong-sau-tan-the-1-27713.html