Tản văn: Tháng Mười, về với mẹ

Tháng Mười, trong khoảnh khắc ngày đã tàn, lòng ta quay quắt nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ những người phụ nữ quanh đời ta...

Tháng Mười về trong gió hanh hao, trong cái nắng vàng ong chưa kịp tắt thì ánh hoàng hôn đã chực chờ đổ bóng. Ta thẩn thơ ngồi dưới hiên nhà, nghĩ ngợi về những điều xưa nhưng không hề cũ. Ta nghĩ về người thân, người thương, kẻ mất, người còn; ta nghĩ về được mất, hơn thua, nghĩ điều giản đơn, phức tạp.

Cuộc sống xô bồ, gánh nặng áo cơm, bao điều hào nhoáng nhiều lúc làm ta quên đi những thứ gần gũi nhưng ý nghĩa nhất của cuộc sống này. Tháng Mười, trong khoảnh khắc ngày đã tàn, lòng ta quay quắt nhớ mẹ, nhớ bà, nhớ những người phụ nữ quanh đời ta, cho ta niềm yêu trong cuộc sống vẫn xoay vần.

Ta nhớ những lời ru của mẹ từ lúc còn nằm nôi đến lúc tàn hơi vẫn ầu ơ khắc khoải. Câu thơ cuối trong bài thơ “À ơi tay mẹ” của tác giả Dương Bình Nguyên cứ làm ta day dứt mãi: “À ơi… mẹ chẳng một câu ru mình”.

Ta cứ muốn được đắm đuối trong lời ru ấy. Lời ru đưa ta vào giấc ngủ êm đềm, đưa ta đến với những ước mơ, cho ta thêm sức mạnh tung bay khắp bốn phương trời. Ru con, ru đời, ru người, ru cho những đớn đau, ru cái thương cái nhớ nhưng lại quên dành lời ru cho chính mình.

Nghĩ về mẹ, ta lại day dứt khôn nguôi về lời ru đầy yêu thương ấy. Tròn mà khuyết, khuyết nhưng lại tròn đầy viên mãn ấy chỉ có trong lời ru đầy hi sinh và tình yêu thương quên mình của mẹ!

Trong cái se lạnh của sắc Thu tháng Mười, ta lại nhớ biết bao vòng tay ấm êm của mẹ! Bàn tay mẹ chẳng đẹp, chẳng thon dài, thậm chí khó nhìn. Những ngón tay xương xương, móng tay cụt lủn, đen đúa, sờ vào thô ráp, chai sần.

Nhưng ta lớn lên từ bàn tay ấy, ta tìm về vòng tay ấy để đứng dậy sau những tổn thương, đổ vỡ, thất bại. Bàn tay từng ngón đan kết ngày yêu nhau, bàn tay đeo nhẫn đính ước vào ngón tay áp út với bao lời thề nguyền sống chết, cũng có buông lơi, làm tay ta nguội lạnh, hụt hẫng.

Ta bâng khuâng tìm về bàn tay yêu thương của mẹ. Bàn tay nứt nẻ bởi rơm rạ, bùn đất, nắng mưa ấy xoa đầu ta, ôm ta vào lòng. Ta bỗng thấy mình hóa con trẻ để được vỗ về, nâng niu.

Đã không ít lần ta mặc nhiên đón nhận những yêu thương, những hi sinh từ mẹ mà không suy nghĩ gì. Thuở nhỏ, được vỗ về, chăm sóc; nuôi lớn, lo nghề nghiệp, gia đình; ta xem đó là nghĩa vụ của đấng sinh thành. Nhưng khi đã thật sự trưởng thành, ta vẫn cứ nhận những món quà, những dành dụm, chắt chiu của mẹ như một thói quen. Ta đâu hay rằng, để đổi lấy niềm vui, hạnh phúc cho con, mẹ phải trả cho thời gian cái giá đắt đỏ biết chừng nào.

Thời gian lấy đi tuổi xuân, sức khỏe, trả lại cho mẹ sự già nua, bệnh tật. Hay nói cách khác, qua mưa nắng xoay vần, thời gian cứ lặng lẽ trôi theo quy luật, chính ta bòn rút cuộc đời của mẹ.

Mái tóc mẹ bạc cho tóc ta xanh, da mẹ đồi mồi cho ta xinh đẹp, hồng hào, lưng mẹ còng cho ta hiên ngang thẳng bước vào đời. Tháng Mười, ta muốn thời gian chậm thêm một nhịp. Ta dành một chút thời gian quan sát dáng lưng còng của mẹ. Nhà thơ Lại Tây Dương trong bài thơ “Mẹ” đã ngẫm nghĩ:

“Còng lưng cõng cánh đồng làng

Cõng con, cõng cháu, lưng càng còng thêm”.

Khi ta chợt nhận ra thời gian không quay lại được nữa thì mẹ đã không còn trẻ, tấm lưng kia cũng đã còng. Tấm lưng thiếu nữ với vẻ đẹp căng tràn sức sống chỉ còn là quá vãng. Mẹ oằn mình với công việc, với con, với cháu giữa bao bão giông cuộc đời. Giờ đây, mẹ lúi cúi vào ra với căn nhà vắng bóng cháu con trong tuổi xế chiều.

Tháng Mười về, mẹ lom khom chống gậy ra vườn. Giàn thiên lý cuối mùa vẫn còn nhiều bông lắm. Bàn tay gầy gò của mẹ run run ngắt từng bông thơm ngát, rửa sạch sẽ, để vào rổ cho ráo nước. Mẹ luôn nhớ con gái mẹ rất thích canh hoa lý nấu tôm. Mẹ cứ chuẩn bị sẵn, sợ con về bất chợt, thèm bát canh mẹ nấu nhưng chưa kịp ăn đã vội phải đi.

Tháng Mười này, ta đừng gọi điện nữa. Tai mẹ không còn thính, dăm ba lời hỏi thăm vội vàng mẹ nghe được mấy điều. Ta cũng đừng gửi điện hoa, mắt mẹ chẳng còn tinh anh, làm sao thấy được rực rỡ sắc màu của những bông hoa được gói ghém cẩn thận ấy.

Ta hãy về với hàng cau già trước sân, gian trầu không xum xuê mẹ ít hái. Ta hãy về với góc vườn, dưới bóng cây hoàng lan cổ thụ buông tỏa, chiếc chõng tre cũ kỹ mẹ đã ngồi kể bao câu chuyện cổ tích cho ta đi vào giấc ngủ êm đềm. Bậc thềm kia, chỗ mẹ hay ngồi vá khâu, giờ đã rêu phong. Lối nhỏ ra bờ ao mẹ thường dắt tay ta nay cỏ đã um tùm.

Ta hãy về, nơi có cánh cổng gỗ đã hoen màu thời gian, ngày lại ngày, mẹ vẫn đứng ngóng trông ta dù hoàng hôn đã tắt bóng. Mỗi đêm về, dưới ánh đèn leo lét, mẹ lặng ngắm bóng mình nơi vách, nghĩ suy về cháu con ở phương xa khi nào về quê sau nhiều ngày tháng xa cách. Ngay mai, ta hãy về nhé! Với mẹ, với nhà mình, với bữa cơm yêu thương mẹ nấu. Tháng Mười đã bẻ nắng theo ngày tàn!

Nguyễn Thị Hà (Giáo viên Trường THCS Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tan-van-thang-muoi-ve-voi-me-post705346.html