Tăng cường bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ và tạo nhiều thay đổi tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là nguy cơ mất an toàn thông tin (ATTT) trên không gian mạng. Đòi hỏi không chỉ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó ý thức của người dân trong sử dụng và bảo mật thông tin có vai trò quan trọng.

Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm An toàn, an ninh mạng và bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng do Công an tỉnh tổ chức ngày 2/8/2024.

Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm An toàn, an ninh mạng và bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng do Công an tỉnh tổ chức ngày 2/8/2024.

Hiện nay, nguy cơ mất ATTT nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Nhận thức rõ việc bảo đảm ATTT là một trong những vấn đề then chốt trong chuyển đổi số, những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, từ kiện toàn, xây dựng bộ máy, đào tạo nhân lực đến ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm thực hiện tốt công tác này.

Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chuyên trách về ATTT trên địa bàn tỉnh đã tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; xây dựng Nền tảng giám sát điều hành ATTT mạng của tỉnh. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông đã thực hiện giám sát trực tiếp đối với hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; trục liên thông gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp; mạng truyền số liệu chuyên dùng.

Đồng thời, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên sâu về ATTT cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) của các sở, ngành, địa phương; các lớp đào tạo kiến thức cơ bản cho cán bộ, công chức với số lượng lên đến hàng nghìn lượt người; thực hiện diễn tập ứng cứu sự cố CNTT và ATTT hàng năm.

Từ năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. Hạ tầng công nghệ thông tin; mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống đường truyền Internet, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng cố định, di động; Trung tâm dữ liệu tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC…

Nhờ triển khai tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng gắn với chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, các bộ phận chuyên môn quản lý về thông tin, dữ liệu của tỉnh đã bảo đảm tốt nhiệm vụ rà soát nguy cơ gây mất ATTT, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, tham gia giải quyết sự cố. Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia.

Bảo đảm an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp chặt chẽ trong hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhằm phòng ngừa tối đa các hiện tượng đăng tải tin giả, tin sai sự thật, giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp… hoặc lợi dụng môi trường mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức…

Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh mạng. 100% cơ quan, đơn vị nhà nước cấp sở, ngành, huyện đã trang bị hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. 100% mạng LAN cơ quan, đơn vị đã trang bị hệ thống tường lửa... Mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và hoạt động của các tổ chức, cá nhân được bảo đảm an toàn tuyệt đối; nhu cầu thông tin liên lạc, kết nối, truyền tải dữ liệu, hình ảnh trong các sự kiện lớn của tỉnh, của đất nước, dịp lễ, Tết được đáp ứng tối đa…

Nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuân thủ, bảo đảm ATTT mạng theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 1607/BTTTTCATTT hướng dẫn triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 03/5/2024, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành văn bản số 381/UBNDVP6 triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024.

Trong đó, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ động triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về an toàn thông tin mạng trong năm 2024 theo ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu về ATTT mạng trong năm 2024 được các cấp có thẩm quyền giao. Việc bảo đảm ATTT mạng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân cần chủ động xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn hệ thống thông tin của máy chủ, máy trạm, thiết bị mạng, phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng...

Thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập về ứng cứu sự cố, đảm bảo ATTT mạng cho các hệ thống thông tin, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực hạ tầng trọng yếu của quốc gia. Từ đó phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp xảy ra sự cố, phát hiện tấn công hoặc mã độc nguy hiểm, chủ động xử lý và thông báo cho các cơ quan chức năng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin vận hành và phát triển.

Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-bao-mat-thong-tin-bao-dam-an-toan-thong-tin-mang/d20241004073533928.htm