Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Vĩnh Linh là mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng, mang đậm bản sắc riêng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Dù trải qua nhiều biến cố trong lịch sử song miền quê bên bờ Bắc sông Bến Hải vẫn luôn giữ gìn vốn quý văn hóa được ông cha sáng tạo, vun đắp từ bao đời. Bước vào thời kì đổi mới và hội nhập, các cấp chính quyền huyện Vĩnh Linh càng ý thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng và phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

 Lễ hội Thống nhất non sông tại Di tích đặc biệt cấp quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Lễ hội Thống nhất non sông tại Di tích đặc biệt cấp quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Xác định muốn bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống để xây dựng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới cần những giải pháp cụ thể, lâu dài, toàn diện, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, Vĩnh Linh tập trung đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí về văn hóa. Trước hết, huyện tăng cường công tác quản lí, tôn tạo gắn với hoạt động quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của địa phương. Vĩnh Linh có trên 180 di tích được công nhận di tích lịch sử các cấp. Trong đó có nhiều di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi năm như: Di tích đặc biệt cấp quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (xã Vĩnh Thành); Địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh… luôn được chú trọng bảo vệ, trùng tu đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương cũng như tạo điều kiện thuận lợi để du khách gần xa tìm hiểu lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Song song với đó, các loại hình sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc, lễ hội truyền thống tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền gồm: Lễ hội văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Lễ Cầu ngư (xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch), Lễ hội Rằm tháng Giêng (xã Vĩnh Sơn); Hò chèo cạn (xã Vĩnh Giang), Văn hóa cồng chiêng (các xã miền núi phía Tây), Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú), Chạy Cù (xã Vĩnh Nam), Bài Chòi (xã Vĩnh Hòa)… được quan tâm phục dựng và phát huy giá trị thông qua nhiều lễ hội, chương trình biểu diễn, giao lưu tổ chức thường xuyên, nền nếp, bài bản vào mỗi dịp lễ hội mừng Đảng - mừng Xuân, tết cổ truyền, kỉ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Mặt khác, Vĩnh Linh khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, dành nhiều nguồn lực vào một số công trình văn hóa trọng điểm của huyện, đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở. 100% đơn vị trong huyện quy hoạch tổng thể, dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo phục vụ tốt cho các hoạt động, góp phần khuyến khích, thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vĩnh Linh hiện có gần 40% số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Văn hóa văn nghệ quần chúng có những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện luôn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, đơn vị, doanh nghiệp đến từng gia đình theo hướng phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Huyện kịp thời triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng kế hoạch về thực hiện “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2016- 2023”, làm tốt công giáo dục văn hóa thông qua sự nghiệp giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài. Văn hóa góp phần khơi dậy, hình thành những giá trị về con người mới với các phẩm chất: Trách nhiệm với xã hội, ý thức công dân, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên; tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Đến cuối năm 2018, toàn huyện có gần 95% thôn, bản, khóm phố văn hóa; gần 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và trên 90% số hộ đạt gia đình văn hóa. Các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hướng về cội nguồn, cộng đồng, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”… được phát động rộng khắp, nhanh chóng đi vào cuộc sống, được đông đảo nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Từ các lĩnh vực xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt với các công trình, phần việc chứa đựng những giá trị tốt đẹp, hướng đến chân - thiện - mĩ. Vĩnh Linh đã kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những cách làm hay, những điển hình tiên tiến làm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa, con người địa phương. Từ đó văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, đưa Vĩnh Linh trở thành điểm sáng về phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vừa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đề cao vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư; kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa tiên phong, gương mẫu trong các phong trào; khuyến khích cách làm sáng tạo nhằm huy động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực tổng hợp đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền. Vĩnh Linh quyết tâm đạt nhiều kết quả toàn diện hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa làm tiền đề để phát triển nhanh, bền vững, đồng thời góp phần giữ gìn, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kì đổi mới và hội nhập.

Trang Nguyễn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141450