Tăng cường các nguồn lực cho công tác PCCC và CNCH
Sáng nay (01/11), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCCC và CNCH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo tiếp thu, rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật.
Về trách nhiệm PCCC và CNCH, dự thảo luật đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, CNCH, bao gồm: Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Về phòng cháy, dự thảo Luật đã tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 02 điều gồm 01 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 01 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này; bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Tiếp thu, chỉnh lý bao quát các quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, cho sản xuất để bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Về quy định kinh doanh dịch vụ PCCC, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, UBTVQH nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC và CNCH.
Do vậy, để tiếp thu ý kiến ĐBQH và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật này, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 nhằm bỏ quy định này tại mục số 11 Phụ lục IV của Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý và bổ sung các quy định về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH, thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành…
Về nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định về chế độ cho người được huy động, tham gia chữa cháy, CNCH tại Điều 46, trong đó đã bao gồm chế độ, chính sách cho cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện PCCC, CNCH; còn về chế độ, chính sách của người vừa là thành viên Tổ bảo vệ ANTT vừa là thành viên Đội dân phòng đã được quy định tại pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nên không nhất thiết phải quy định lại trong dự thảo luật này.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực trong công tác PCCC và CNCH, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC và CNCH; đề nghị quy định Nhà nước bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị PCCC hàng năm.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý quy định chi cho các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC, CNCH tại Điều 50 dự thảo luật và bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, CNCH tại khoản 2 Điều 47 dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết…
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, dự thảo Luật, báo cáo giải trình, tiếp thu đã bám sát được kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa, nội dung luật đã đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hay chưa, nhất là đối chiếu với các luật chuyên ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về PCCC đối với nhà ở, đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện; xây dựng, bố trí lực lượng PCCC và CNCH; điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH.
Nêu quan điểm về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật PCCC và CNCH, đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn Bắc Kạn), đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cơ quan kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng…
Theo đó, tại khoản 20, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung “cơ quan Kiểm lâm” và viết lại thành: “Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một lĩnh vực nhất định liên quan đến PCCC gồm: cơ quan Công an, cơ quan Kiểm lâm, cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan đăng kiểm”.
Việc bổ sung này nhằm thống nhất với quy định tại Điều 103 Luật Lâm nghiệp năm 2017: “Kiểm lâm là tổ chức có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng”.
Theo đại biểu Vũ Hồng Luyến, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.
Với lý lẽ trên, đại biểu cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhân dân.
Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của các đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật trong huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên cho cấp cơ sở, xóm, thôn, tổ dân phố, hộ gia đình. Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra.