Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Do vậy, liên quan đến nhiều khâu từ giống, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất… Vì thế, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm giúp bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Sản xuất nông nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Do vậy, liên quan đến nhiều khâu từ giống, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất… Vì thế, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm giúp bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Trịnh Thanh Ba, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết: Thanh tra sở luôn xác định rõ tầm quan trọng và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, tham mưu với lãnh đạo sở xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện sát thực tế, đạt hiệu quả cao.
Hằng năm, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp đều thực hiện theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện đúng quy định, không vượt quá nội dung của quyết định. Năm 2022, Thanh tra Sở NN & PTNT đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại 49 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua đó, lấy 52 mẫu vật tư nông nghiệp gửi đi xét nghiệm. Kết quả, có 8 mẫu không đạt, gồm: 6 mẫu thức ăn chăn nuôi, 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật và 1 mẫu thuốc thú y. Thanh tra sở đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 145 triệu đồng; tổ chức giám sát 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và 2 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trong việc thực hiện thu hồi, tái chế đối với các sản phẩm vi phạm về chất lượng, tem nhãn bao bì sản xuất.
Cùng với Thanh tra sở, công tác thanh tra chuyên ngành của các đơn vị chức năng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được thực hiện có hiệu quả. Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm đã thực hiện thanh tra 88 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền 4 trường hợp. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, phát hiện 3 cơ sở đánh bắt, bẫy chim hoang dã, thu giữ các dụng cụ bẫy chim gồm: 19 loa, 4 âm ly, 3 đầu đọc USB, 9 bẫy kiềng. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất để kiểm tra chất lượng nông sản. Chi cục thực hiện kiểm tra đột xuất 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện vi phạm và ra 35 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 136 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để tiếp tục điều tra làm rõ…
Từ việc thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nổi bật, lĩnh vực trồng trọt cơ bản không có tình trạng giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất lúa, cây trồng. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra giúp các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ duy trì ổn định sản xuất, thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Như HTX Nông sản sạch Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) đã tổ chức liên kết sản xuất rau, củ, quả an toàn với nhiều vùng trên địa bàn tỉnh, xuất bán với lượng sản phẩm lên đến hơn 2.000 kg rau, củ, quả mỗi ngày cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng nông sản sạch và nhất là cho hệ thống siêu thị VinMart. HTX rau hữu cơ Phù Vân định kỳ được cơ quan chuyên môn của Sở NN & PTNT lấy mẫu xét nghiệm các chỉ số an toàn của sản phẩm. Do vậy, sản phẩm của HTX sản xuất ra luôn đạt chất lượng cung cấp cho các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Phủ Lý và thành phố Hà Nội…
Theo bà Nguyễn Thị Thú, Giám đốc HTX rau hữu cơ Phù Vân, việc kiểm tra, đánh giá của ngành chức năng giúp HTX nắm bắt rõ mức độ chất lượng sản phẩm. Từ đó, có sự điều chỉnh phù hợp để duy trì ổn định chất lượng các mặt hàng trong quá trình sản xuất. Đây cũng là biện pháp thường xuyên nhắc nhở các thành viên HTX luôn tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật sản xuất rau an toàn, hữu cơ cung cấp ra thị trường.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến quy mô hàng hóa, tập trung; đồng thời, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thực hiện liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, cả trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, cùng với nỗ lực, cố gắng trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng, cần được quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giúp bảo đảm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.