Tăng cường công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm

Do thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC). Do vậy, tiêm phòng vắc xin cho GSGC là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho hộ chăn nuôi phòng tránh dịch bệnh hữu hiệu.

Tại một số địa phương, người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêm phòng, bảo vệ đàn GSGC. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn GSGC trên toàn tỉnh đạt thấp nên xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có 209.585 con trâu, bò, 334.163 con lợn, hơn 3 triệu con gia cầm. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêm vắc xin trên đàn trâu, bò chỉ đạt 50%, đàn lợn trên 30%, đàn gia cầm khoảng 70% so với tổng đàn. Trong khi đó, tiêm phòng là biện pháp quan trọng đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng GSGC phải đạt trên 80% tổng đàn trở lên mới đảm bảo khả năng miễn dịch, hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Đến nay, toàn tỉnh tiêm phòng 86.829 liều vắc xin lở mồm, long móng cho trâu, bò, đạt 41,95% kế hoạch; 88.945 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 42,97% kế hoạch; 45.187 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi, đạt 42,23% kế hoạch... Các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Trùng Khánh, Thạch An… có tỷ lệ tiêm phòng lở mồm long móng đạt thấp.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng thấp là do một số huyện, xã chưa chỉ đạo kiên quyết công tác tiêm phòng; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chưa thật sự vào cuộc đối với công tác tiêm phòng; công tác báo cáo dịch và báo cáo tiến độ tiêm phòng còn sơ sài... Đặc biệt, người dân ở nơi hay tái phát ổ dịch cũ còn chủ quan, chưa phối hợp chặt chẽ với ngành chăn nuôi và thú y trong công tác phòng, chống dịch bệnh nên ngành thú y khi triển khai công tác tiêm phòng không thể thống kê chính xác số GSGC trong diện tiêm. Thậm chí một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý chưa có dịch không cần tiêm phòng, có dịch mới tiêm; vì thế việc tiêm phòng không đảm bảo quy định của cơ quan thú y là tiêm đủ số lần, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Lực lượng thú y viên cơ sở do phụ cấp thấp lại phải làm thêm một số công tác kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở. Việc vận chuyển GSGC từ huyện này sang huyện khác cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh mầm bệnh, ngành thú y khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình vận chuyển gia súc ra vào tỉnh vì tại các điểm đầu mối giao thông không có trạm kiểm dịch động vật; cơ quan chuyên môn khó trong việc nắm bắt, kiểm tra dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc GSGC.

Anh Lý Dào Quyên, xóm Nặm Bjoóc, xã Thể Dục (Nguyên Bình) chia sẻ: Gia đình tôi có 7 con bò, 3 con trâu, do sợ trâu, bò khi tiêm phòng giảm sức cày kéo nên gia đình vẫn còn e ngại trong việc thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình Lê Thị Thắm cho biết: Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể, lực lượng thú y viên 17 xã, thị trấn tích cực triển khai công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn GSGC. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do một số hộ chăn nuôi chưa thay đổi tập quán nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở; chuồng trại còn ẩm ướt, mất vệ sinh.

Tại một số xã vùng cao các hộ chăn nuôi còn tập quán chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ, thả rông trâu, bò, gia cầm mắc bệnh ra các bãi chăn thả chung, không nuôi nhốt, theo dõi điều trị, nên dịch bệnh phát sinh và lây lan. Hằng năm, các dịch bệnh lở mồm, long móng, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số xã trọng điểm ảnh hưởng đến công tác quản lý dịch bệnh. Một số hộ chăn nuôi cho rằng việc tiêm phòng vắc xin sẽ làm cho gia súc gầy yếu, giảm sức cày kéo, nên không phối hợp với thú y viên xã triển khai công tác tiêm phòng. 9 tháng năm 2024, toàn huyện tiêm phòng 10.091 liều vắc xin lở mồm, long móng cho trâu, bò, đạt 48,5% kế hoạch;10.268 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu, bò; 6.898 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi; 5.432 liều vắc xin Niu cát sơn gà…

Cán bộ thú y thị trấn Nước Hai (Hòa An) tiêm phòng vắc xin cho gia súc.

Cán bộ thú y thị trấn Nước Hai (Hòa An) tiêm phòng vắc xin cho gia súc.

Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn GSGC, công tác phòng, chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi thú y yêu cầu cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC để phát hiện sớm, xác minh, báo cáo kịp thời các ổ dịch bệnh động vật. Các xã, phường, thị trấn thường xuyên chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở, trưởng xóm và các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác giám sát, báo cáo dịch và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi thú y Hoàng Văn Khánh, Chi cục tiếp tục thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Chủ động giám sát dịch bệnh nhất là các bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, lở mồm, long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, dại… Tiến hành điều tra, xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh khi có GSGC ốm, chết chưa rõ nguyên nhân nhằm phát hiện sớm và khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Các cấp, ngành, địa phương chủ động giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch lây lan trên diện rộng, đặc biệt là tổ chức thực hiện đợt tiêm phòng vắc xin đợt 2 cho đàn vật nuôi đạt kết quả cao. Tiếp tục đôn đốc thực hiện tiêm phòng vắc xin bổ sung hằng tháng cho đàn GSGC. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo đúng quy trình, từng bước triển khai công tác kiểm soát giết mổ động vật.

Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP, phát triển sản xuất gắn với xử lý tốt chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các hộ chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, giết mổ GSGC thực hiện tốt công tác vệ sinh nơi giết mổ, phun tiêu độc, khử trùng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, Thành phố tổ chức tiêm phòng cho GSGC đúng thời gian, tiêm đủ 2 mũi/năm, tiêm phòng bảo đảm an toàn cho GSGC; hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngăn ngừa lây bệnh sang người; chủ động cung ứng đầy đủ vắc xin, hóa chất phun khử trùng, tiêu độc môi trường.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-cong-tac-tiem-phong-gia-suc-gia-cam-3172966.html