Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng, chống cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 18/01/2022 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 242/UBND-VX, về việc tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – phòng, chống cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp.

Sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác ATVSLĐ – PCCN và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Lào Cai về nhiệm vụ chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; có yếu tố nặng nhọc, độc hại,... những công trình tập trung nhiều lao động, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Phối hợp với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân,.. tập trung điều tra, kết luận những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra, đồng thời xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lao động, ATVSLĐ gây hậu quả nghiêm trọng theo Công văn số 4248/UBND-VX ngày 04/9/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động.

Công an tỉnh: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ.

Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh lao động, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, hướng dẫn thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động, phòng, chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn. Hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động, phối hợp triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, máy, thiết bị chế biến nông, lâm sản và các hợp tác xã nông lâm nghiệp,…

Các Sở: Giao thông vận tải - Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng người lao động kết hợp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc.

Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, kịp thời nêu gương và nhắc nhở những đơn vị chưa thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN.

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ-PCCN của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, chú trọng ngành nghề có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ, kết hợp phòng chống dịch Covid-19,… đặc biệt đối với cơ sở kinh doanh hộ gia đình, các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác,….

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh: Rà soát, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ, Luật PCCC, các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động; bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy trình và các biện pháp làm việc an toàn tại nơi làm việc; thực hiện kiểm định, khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định; tổ chức hoạt động sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tăng cường triển khai đảm bảo công tác ATVSLĐ-PCCN trong dịp Tết Nguyên Nhâm Dần 2022, cần tập trung làm tốt những nội dung sau: Tổ chức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố cháy, nổ, kết hợp phòng, chống dịch Covid-19... để đón xuân, vui Tết an toàn.

Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cháy, nổ, phòng chống dịch Covid-19 thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt đối với các khu vực, địa điểm tập trung đông người, chợ văn hóa, khu vui chơi giải trí, các hoạt động lễ hội và các cơ sở, sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn xảy ra cháy, nổ, gây tai nạn lao động cao như: sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, điện, kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, kho chứa vật tư hàng hóa, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động,... các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất; thi công cơ sở hạ tầng, dân dụng, công nghiệp; chế biến nông, lâm sản, khu du lịch, dịch vụ… Quá trình kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm theo quy định của pháp luật.

Bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, trang bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy ở ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở xã, phường, thị trấn,... đảm bảo tham gia ứng cứu kịp thời khi tai nạn, sự cố (nếu có) xảy ra.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351977-tang-cuong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong--phong-chong-chay-no-trong-dip-tet-nguyen-dan-nham-dan-2022