Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động

Thời kỳ dân số vàng, thị xã Phú Thọ có nguồn nhân lực phong phú với gần 44.000 lao động trong độ tuổi, trong đó có khoảng 43.000 lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Song song với các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được thị xã đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương.

Người lao động và học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong Ngày hội tuyển dụng năm 2023 tại thị xã Phú Thọ.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thị xã Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 đánh giá: Giai đoạn năm 2016-2020, thị xã đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 52%. Đồng thời, thị xã cũng huy động các nguồn lực, lồng ghép Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chương trình, dự án đào tạo, hỗ trợ sản xuất của các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 1.700 lao động mỗi năm, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%...

Nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, cấp ủy, chính quyền thị xã đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vào cuộc, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2022, Ban chỉ đạo giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động thị xã đã chỉ đạo hỗ trợ trên 17,3 tỉ đồng cho 829 người lao động vay từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (GQVL), nâng tổng số dư nợ vốn GQVL hiện tại lên trên 32 tỉ đồng.

Thị xã cũng tích cực tổ chức, giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến các xã, phường tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện nay thị xã có 35 doanh nghiệp sử dụng 299 lao động nước ngoài, trong đó có 31 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài và bốn doanh nghiệp của địa phương. Qua hướng dẫn, các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Với 167 doanh nghiệp có quan hệ lao động trên địa bàn, trong đó có hai doanh nghiệp nhà nước,165 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho gần 20.000 người lao động. Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay tình hình lao động, việc làm trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi, lực lượng lao động trở lại làm việc ngày càng đông, năm 2022 số lao động được giải quyết việc làm tại thị xã đạt gần 1.300 người.

Thị xã tiếp tục điều tra thu thập, cập nhật, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số; chỉ đạo, hướng dẫn các xã thường xuyên cập nhật biến động lao động của địa phương, phân tích, đánh giá tiêu chí về lao động để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện đảm bảo công tác đào tạo nghề theo chỉ tiêu pháp lệnh Nhà nước, năm 2022 căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh, thị xã đã giao Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khảo sát nhu cầu học viên, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho gần 300 học viên thuộc các trình độ sơ cấp, liên kết đào tạo trình độ trung cấp theo chỉ tiêu pháp lệnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách. 100% học viên tốt nghiệp sau đào tạo, trong đó có 87,96% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và 75% lao động làm việc đúng ngành, nghề được đào tạo với thu nhập bình quân đạt từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Hết năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề tại thị xã Phú Thọ đạt 74%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận đạt 52,5%.

Đồng chí Nguyễn Công Huân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: thời gian tới, thị xã tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác GQVL, xuất khẩu lao động, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay GQVL; tăng cường đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, triển khai các chương trình đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao; chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn đào tạo các nghề mới, hỗ trợ sản xuất, tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm cho người lao động sau học nghề.

Mặt khác, thị xã Phú Thọ sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động nước ngoài làm việc tại địa phương; tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật BHXH và các quy định của Chính phủ đối với người lao động; nắm bắt tình hình, chủ động biện pháp tác động kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nguồn nhân lực, lao động, việc làm; chỉ đạo doanh nghiệp thường xuyên huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, đánh giá các điều kiện sản xuất, máy móc, thiết bị, tạo môi trường lao động an toàn. Tiếp tục thực hiện kế hoạch thu thập thông tin lao động, chỉ đạo hướng dẫn các xã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/tang-cuong-dao-tao-nghe-cho-nguoi-lao-dong/192291.htm