Tăng cường đầu tư, khôi phục vùng nguyên liệu mía

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam thu hoạch mía bằng máy tại xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Liên tiếp 3 năm liền, ngành Mía đường trong nước gặp khó, nhiều người dân quay lưng với cây mía. Để giữ vùng nguyên liệu, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) đã triển khai nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ và khuyến khích người nông dân tăng cường đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Theo Công ty KCP, niên vụ 2019-2020 là thời điểm mía có năng suất, sản lượng thu hoạch thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Cả một vụ ép, 2 nhà máy chỉ ép được 467.000 tấn mía cây. Doanh nghiệp phải nhập thêm đường thô về tinh luyện, nâng tổng sản lượng đường chế biến lên 65.000 tấn; doanh thu từ đường giảm 40% so với niên vụ trước.

Nhiều chính sách mới cho cây mía

Trước tình hình nói trên, Công ty KCP đã sớm đưa ra các chiến lược nhằm tăng cường chính sách tái đầu tư để khuyến khích người dân khôi phục lại vùng nguyên liệu. Cụ thể, đầu vụ ép, KCP áp dụng giá mua mía 1,03 triệu đồng/tấn mía cây tại ruộng (mía 10 CCS); sau đó tăng lên 1,08 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía của KCP cũng được tăng cường.

Ngoài các chính sách đầu tư cũ, KCP còn hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha đối với mỗi hộ trồng mới bằng phương pháp thông thường; hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha với hộ trồng hàng cách hàng 1,2m; hỗ trợ 6 triệu đồng/ha với các hộ trồng mía bằng phương thức trồng bằng hố. Những hộ có đất trống bỏ hoang hoặc chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng mía sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, KCP còn đầu tư 1 máy thu hoạch mía công suất 15-20 tấn/giờ để hỗ trợ người dân thu hoạch mía.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty KCP cho biết: Thời gian cao điểm, vùng nguyên liệu mía của KCP đạt hơn 22.000ha. Sau đó, do ảnh hưởng của thời tiết, cộng với giá mía xuống thấp nên diện tích vùng nguyên liệu mía của KCP chỉ còn hơn 12.000ha. Sau khi tăng cường các chính sách khuyến khích đầu tư, đến nay, người nông dân đã “mặn mà” hơn với cây mía. Hiện diện tích đăng ký trồng mới, trồng lại khoảng 6.000ha. Dự kiến, tổng diện tích mía cho vụ tới đạt khoảng 16.000ha. Đến nay, doanh nghiệp đã hỗ trợ không hoàn lại cho bà con khoảng 38 tỉ đồng tiền đầu tư và 12 tỉ đồng tiền lãi suất.

Ông Y Phú ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, phấn khởi: Chưa năm nào giá mía và các chính sách đầu tư của KCP cao như năm nay. Nhà tôi trồng 3ha mía, vừa thu hoạch được hơn 1ha, đạt năng suất gần 100 tấn/ha; chữ đường bình quân trên 10 CCS. Vụ tới, gia đình tôi trồng mới hơn 6 sào mía. Chúng tôi sẽ tăng cường chăm sóc, phân bón, nước tưới… để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Kỳ vọng niên vụ mới

Theo ông Subbaiah, từ ngày 9/2/2021, Bộ Công thương ban hành Quyết định 477 áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Chính sách này đã giúp ngành Mía đường trong nước chuyển biến tích cực.

Trước đó, ngày 25/4/2020, Chính phủ tăng giá mua điện đồng phát từ 5,8cent lên 7,03cent. Vì vậy, doanh nghiệp đã tăng cường mua dăm gỗ, phế phẩm nông nghiệp sản xuất điện sinh khối được 123 triệu kWh, doanh thu bán điện đạt 160 tỉ đồng. Từ đó, KCP có điều kiện tăng giá thu mua mía cũng như tăng cường tái đầu tư cho vùng nguyên liệu.

Dự kiến trong vụ ép này, Công ty KCP sẽ ép khoảng 520.000 tấn mía cây, đồng thời tiếp tục mua đường thô về tinh luyện; chế biến khoảng 75.000 tấn đường. Năm nay, việc tiêu thụ đường sẽ khả quan hơn vì sản lượng đường sản xuất mới chỉ đáp ứng được 50-60% nhu cầu sử dụng đường trong nước. Bên cạnh đó, KCP tiếp tục đề xuất phát triển thêm vùng nguyên liệu để đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy điện sinh khối, nâng tổng công suất phát điện lên 60MW.

Theo ông Subbaiah, trước mắt, Quyết định 477 của Bộ Công thương chỉ có hiệu lực trong 120 ngày. Do vậy, Hiệp hội Mía đường đã kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng quyết định này để bảo vệ ngành Mía đường trong nước. Với những diễn biến của thị trường đường năm nay, hy vọng khoảng 4-5 năm tới, ngành Mía đường Việt Nam sẽ phát triển ổn định; người nông dân có thể làm giàu từ cây mía.

Với những diễn biến của thị trường đường năm nay, hy vọng khoảng 4-5 năm tới, ngành Mía đường Việt Nam sẽ phát triển ổn định; người nông dân có thể làm giàu từ cây mía.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty KCP

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253408/tang-cuong-dau-tu-khoi-phuc-vung-nguyen-lieu-mia.html