Tăng cường giám sát, kiểm tra những nơi rủi ro cao

Trong cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 29-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, bệnh viện, khu đô thị mới có mật độ chung cư cao, đầu mối giao thông vận tải…

“Xử lý nghiêm một người để cứu muôn người”

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế, 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ huy các khu cách ly tập trung và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan báo cáo, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo và nhân dân các thành phố lớn đã có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta, nhất là trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.

Cụ thể, theo Thủ tướng Chính phủ, tinh thần cách ly, giãn khoảng cách, không tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch đã được thực hiện kịp thời. Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân được bảo đảm với mức dự trữ hàng hóa tăng 4-5 lần so với bình thường.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp. Ảnh: VPG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp. Ảnh: VPG

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhắc tới trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng ở Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “xử lý nghiêm một người để cứu muôn người”. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đồng ý với ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm hành vi khai báo vòng vo, không trung thực của bệnh nhân số 178 để răn đe, giáo dục với nhiều người khác.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ khi làm việc. Các thành phố cần tăng cường cơ sở vật chất, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ cán bộ y tế và những người phục vụ trực tiếp trong quân đội, công an và các lực lượng khác.

Phân lập tuyệt đối vùng có lây nhiễm với vùng chưa lây nhiễm

Đặc biệt nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm “giờ vàng”, “ngày vàng” trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” để chiến thắng dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng nhắc lại tinh thần của bức điện từ Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi vào Mặt trận Sài Gòn ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu vận dụng tinh thần này vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh hiện nay ở nước ta.

Thủ tướng lưu ý, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, các thành phố cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp cho từng thành phố, địa bàn, khu dân cư. “Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ chung cư cao, đầu mối giao thông vận tải…”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, tổ dân phố. Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư từ đô thị đến nông thôn phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phải được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng nơi. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.

“Đặc biệt, chúng ta phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch mà các đồng chí đã nêu, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha”, nhấn mạnh điều này, Thủ tướng yêu cầu, ngay lập tức, bằng giải pháp công nghệ phải tìm được 40.000 người đã vào, ra Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày qua để theo dõi, xử lý cụ thể từng trường hợp.

Vì vậy, phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu.

Sẵn sàng mọi điều kiện, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất

Thủ tướng nhấn mạnh lại, tất cả các ca mắc Covid-19 có diễn biến nặng, trong đó có 4 ca nặng nhất, đều có chuyển biến tốt. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong vì Covid-19. Đây và vấn đề được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần để khẳng định thành công bước đầu của nước ta trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không phải như thông tin bịa đặt trên mạng rằng nước ta đã có trường hợp tử vong do Covid-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng, chống dịch và điều trị bệnh như một số thành phố lớn đã làm. Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn là tình trạng giới nghiêm, thiết quân luật theo tốc độ truyền nhiễm. Tăng cường huy động thêm các bệnh viện khác để điều trị bệnh nhân Covid-19 ở một số địa phương.

Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay đến và đi từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các sân bay các tỉnh trong 2 tuần tới, trừ một số chuyến đặc biệt. Đồng thời, phải chốt chặn, hạn chế các chuyến tàu, ô tô vận chuyển hành khách. Ngành Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này theo yêu cầu của tất cả các thành phố.

Thủ tướng lưu ý, ngành y tế, quân đội, công an và các địa phương cần quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch; không để lây nhiễm chéo, các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.

Các thành phố lớn là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất có nhiều lao động, nhất là các khu công nghiệp, cần có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động như một số thành phố đã làm. Thủ tướng nói thêm, sắp tới có thể tổ chức hội nghị để bàn về các vấn đề liên quan, như bảo đảm an sinh xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, an ninh-an toàn cho nhân dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành phố lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời gian này.

Cần có kế hoạch, biện pháp linh hoạt

Thủ tướng đề nghị các địa phương, các thành phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Chỉ thị 15 của Thủ tướng, phải làm cho nhân dân hiểu được, dự báo được những tình huống xấu nhất để chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế thấp nhất hậu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang tâm lý trong nhân dân. “Làm sao từng người dân hiểu rõ, đồng tâm ủng hộ lãnh đạo chính quyền các cấp và Chính phủ trong đợt cao điểm này”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu các cơ quan cần có chế độ linh hoạt, điều chỉnh kế hoạch, biện pháp triển khai theo tình hình thực tế, tránh máy móc, phát huy cao độ sự thích ứng với diễn biến mới, nhanh chóng truyền đạt kinh nghiệm, bài học và phương pháp cách ly, xử lý các ca nhiễm, nghi nhiễm…

Nhấn mạnh lại tinh thần “hiểu ta, hiểu địch, trăm trận, trăm thắng”, Thủ tướng nói, chúng ta đã thắng trong trận đầu nhờ nhận diện dịch như giặc và chủ động tấn công. Tuy nhiên, lần này, dịch đến từ nhiều nguồn, nhiều hướng, phức tạp hơn, nên cần triển khai đồng thời nhiều mặt trận. Vì thế, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND các thành phố đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình, có phương án tác chiến cụ thể. Quan trọng nhất lúc này là trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, tất cả cùng hiệp đồng tác chiến, phản ứng nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống xảy ra trên từng địa bàn thành phố. “Có như vậy, chúng ta có niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 ở các thành phố lớn của Việt Nam sẽ thành công. Thành công của các thành phố lớn chính là thành công cho cả nước”, Thủ tướng nói.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/tang-cuong-giam-sat-kiem-tra-nhung-noi-rui-ro-cao-613688