Tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo qua biên giới
Tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh tỉnh Long An từng bước được kiểm soát, số xã và số heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy đã giảm, nhiều địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch. Tuy nhiên, giá heo tăng cao, trong khi nguồn heo khan hiếm dẫn đến tình trạng các thương lái nhập lậu làm tăng nguy cơ bùng phát DTHCP.
Dịch bệnh từng bước được kiểm soát
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến ngày 28-11, DTHCP được phát hiện tại 3.119 hộ, thuộc 697 ấp/khu phố, 177 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 78.893 con, tổng trọng lượng 4.642.785kg, ước tính hỗ trợ tiêu hủy trên 135 tỉ đồng. 93/177 xã, phường, thị trấn; 2 huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường có DTHCP đã qua 30 ngày kể từ ngày tiêu hủy cuối cùng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, DTHCP trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát. Thời gian qua, công tác xử lý ổ dịch được các địa phương thực hiện quyết liệt, hầu hết đều được tiêu hủy theo đúng quy định. Công tác tiêu độc, khử trùng được thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm hạn chế mầm bệnh. Ngành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTHCP; tăng cường giám sát tại các xã, phường, thị trấn xảy ra dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh các ổ dịch. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; phối hợp cơ quan chức năng để kịp thời xử lý nếu nghi ngờ dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế.
Theo đánh giá của huyện Vĩnh Hưng, trên lâm sàng không còn heo bị bệnh và sau hơn 30 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch cuối, đến nay, trên địa bàn huyện không phát hiện thêm ổ dịch mới. Từ khi DTHCP xuất hiện, ngành chức năng tiến hành tiêu hủy 1.282 con heo nhiễm DTHCP, tổng trọng lượng hơn 95 tấn. Địa phương công bố dịch trên địa bàn 9/10 xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Cường cho biết, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền người dân có biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, khi phát hiện heo có dấu hiệu bất thường, chết đột ngột thì báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán; thành lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra, vào vùng dịch để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý.
Phát hiện tình trạng buôn lậu heo qua biên giới
Vào lúc 20 giờ, ngày 18/11/2019, tại barie Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng, Tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm Biên phòng miền Nam phối hợp Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng, Đồn Biên phòng Sông Trăng phát hiện ôtô tải biển số 51D-468.86, lưu thông từ phía Campuchia về đến barie của trạm kiểm soát. Tổ công tác yêu cầu dừng xe để kiểm tra, phát hiện trên xe chở 95 con heo. Tổ công tác tiến hành lập biên bản, đưa toàn bộ người, phương tiện và số heo nói trên về đồn biên phòng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Mặc dù chưa xác định được có bị DTHCP hay không nhưng số heo này nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ đưa vào địa bàn huyện Tân Hưng (địa phương hiện đang có DTHCP) nên để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo này, trọng lượng hơn 10 tấn.
Trước đó, vào ngày 12/11, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Đồn Biên phòng Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) phát hiện, ngăn chặn việc tập kết 13 con heo (trọng lượng bình quân 80kg/con) chuẩn bị vận chuyển vào nội địa. Lực lượng biên phòng tuyên truyền, giải thích sự nguy hại về việc vận chuyển heo qua lại biên giới làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh, đồng thời bàn giao biên phòng phía Campuchia thụ lý.
Cần phối hợp liên ngành
Để chủ động, tích cực ngăn chặn việc nhập lậu heo, sản phẩm heo qua biên giới và kiểm soát tốt DTHCP, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh), các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm từ heo qua biên giới.
Cụ thể, BCĐ 389 tỉnh hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới; cùng các huyện, thị xã vùng biên giới ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo và các sản phẩm từ heo qua khu vực biên giới tỉnh. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Cục Quản lý thị trường và các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là đối với heo và các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chính quyền khu vực biên giới phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm heo qua biên giới;…
“Với phương châm ngăn chặn dịch bệnh ngay từ biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo triển khai lực lượng, các đồn biên phòng tăng cường ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường sông trên tuyến biên giới; phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo nhập lậu. Đồng thời, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm từ heo trái phép vào Long An” - Đại tá Bùi Văn Điểm - Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Long An, thông tin.
Hiện nay, giá thịt heo ở mức cao, nhất là thời điểm gần tết, nhu cầu thị trường tăng cao. Do đó, tình trạng vận chuyển heo và các sản phẩm heo qua biên giới còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự chung tay, quyết liệt của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và ý thức của người dân./.