Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại địa phương

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung, cầu giữa Hà Nam với các tỉnh, thành trong vùng cũng như trên cả nước đã được Sở Công thương tăng cường triển khai. Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua nên Hà Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc đẩy mạnh kết nối giao thương, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp xay xát gạo quy mô lớn; hơn 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất rau, củ với sản lượng lớn (trên 16.000 tấn/năm); có 2 doanh nghiệp lớn chuyên giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm từ thịt với sản lượng lớn, sẵn sàng cung ứng vào các siêu thị, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn có gần 200 sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được người tiêu dùng trong tỉnh và cả nước quan tâm, ưa chuộng như: ổi Trác Văn, na Ba Sao, rượu Vọc, kẹo Cham Cham, bánh đa nem làng Chều, chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, đông trùng hạ thảo, lụa Nha Xá, thêu ren Thanh Hà, trống Đọi Tam, sữa chế biến, bánh kẹo, mật ong, tỏi đen, ruốc cá… Với sự đa dạng về sản phẩm, chất lượng không ngừng được nâng cao, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh có tiềm năng rất lớn trong liên kết, phát triển sản phẩm với các tỉnh trong và ngoài khu vực. Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Hà Nam có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong thúc đẩy liên kết vùng, giao lưu, hợp tác, trao đổi hàng hóa với các tỉnh, thành để cùng hỗ trợ phát triển thị trường. Hiện tại, để bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong tỉnh, mỗi năm Hà Nam cần có 130.000 tấn thóc, 140.000 tấn rau, quả; 77.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, thủy sản. Trên thực tế, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất được khoảng 360.000 tấn thóc; trên 180.000 tấn rau, củ; trên 133.000 tấn thịt các loại. Như vậy, ngoài phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, Hà Nam còn có lượng lương thực, thực phẩm khá dồi dào để cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Hội nghị kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp tỉnh Hà Nam và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum 2024 thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của 2 tỉnh tham gia.

Hội nghị kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp tỉnh Hà Nam và doanh nghiệp tỉnh Kon Tum 2024 thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã của 2 tỉnh tham gia.

Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh Hà Nam với các tỉnh, thành trên cả nước. Tính riêng từ năm 2023 đến nay, đã hỗ trợ cho khoảng 350 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia 35 hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng, trong đó tập trung ở các tỉnh, thành có sức tiêu thụ lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…; tổ chức thành công hội chợ quy mô cấp vùng “Hội chợ công thương Vùng đồng bằng sông Hồng – Hà Nam” với quy mô 300 gian hàng, quy tụ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ cho khoảng 50 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia khoảng 15 hội nghị kết nối cung - cầu nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia nhiều chương trình giao lưu, kết nối cung - cầu khác như hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng; hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh; hội nghị kết nối giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ; chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” tại Hà Nội; chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” tại Đà Nẵng; chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị phân phối và tổ chức xúc tiến thương mại tại Gia Lai…

Nhờ đẩy mạnh liên kết, xúc tiến thương mại địa phương, đến nay, tỉnh Hà Nam đã xây dựng, phát triển được trên 20 chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản sạch, an toàn vào thị trường Hà Nội. Nổi bật là: sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã nông sản hữu cơ Phù Vân (thành phố Phủ Lý); sữa của Công ty Cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên); bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); sản phẩm chế biến từ cá của Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng… Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh ngày càng quan tâm và chủ động hơn trong việc đăng ký tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung – cầu để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Văn Phòng, Quản lý siêu thị Lan Chi (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân) cho biết: Mặc dù là đơn vị phân phối hàng hóa nhưng Lan Chi rất tích cực tham gia các hội nghị kết nối cung – cầu do sở, ngành, địa phương tổ chức. Tại nhiều hội nghị, Lan Chi đã ký biên bản hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đặc trưng của Hà Nam và các địa phương trên cả nước vào phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Ngoài sản phẩm OCOP của Hà Nam, hiện Lan Chi đang phân phối nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của các tỉnh, thành khác, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm nông sản sạch, an toàn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng, theo ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường chia sẻ thông tin thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành; hỗ trợ đưa các sản phẩm thế mạnh của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín; xây dựng và phát hành các ấn phẩm về xúc tiến thương mại, liên kết vùng…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/tang-cuong-lien-ket-xuc-tien-thuong-mai-dia-phuong-135645.html