Tăng cường phối hợp trợ giúp pháp lý trong đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Vì vậy, ngành Tư pháp cùng với các ngành có liên quan tích cực phối hợp tổ chức TGPL cho ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Hằng năm, Sở Tư pháp đã tập trung nguồn lực tiếp cận người dân và đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL khi phát sinh. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng thông qua việc xây dựng tờ gấp pháp luật, truyền thông trực tiếp tại cơ sở; truyền thông qua đài truyền thanh, phát thanh - truyền hình bằng tiếng Khmer. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
Cụ thể, ngành Tư pháp tích cực triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND Tối cao, VKSND Tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Thực hiện đầy đủ việc niêm yết, công khai đầy đủ bảng thông tin, hộp tin, tờ thông tin, danh sách trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL nhằm giúp cho người dân nói chung và các đối tượng được TGPL dễ tiếp cận, biết đến quyền được hưởng chính sách TGPL miễn phí.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp và TAND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 38/KHPH-STP-TANDT, ngày 18/8/2022 về triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TAND Tối cao về cử người thực hiện TGPL trực tại TAND; danh sách người thực hiện TGPL và số điện thoại người trực được niêm yết công khai tại tòa đảm bảo đối tượng thuộc diện TGPL mà TAND thụ lý được giải thích đầy đủ, được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí theo quy định. Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp tiếp nhận và thực hiện 204 vụ việc, trong đó có 109 vụ việc TGPL cho người DTTS.
Bên cạnh việc phối hợp TGPL trong hoạt động tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến tích cực thì hoạt động truyền thông về công tác TGPL cũng có nhiều đổi mới, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và thực hiện quyền được TGPL theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm TGPL Nhà nước thuộc Sở Tư pháp đã tổ chức 30 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý với hơn 2.220 lượt người dân đến dự. Tại các buổi truyền thông, các báo cáo viên phổ biến đến người dân Luật TGPL năm 2017, giới thiệu một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Người cao tuổi 2009... cấp phát miễn phí hơn 2.400 tờ gấp pháp luật cho người dân tham dự.
Ngoài ra, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện chỉ tiêu “Tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng ĐBDTTS” theo Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 12/3/2024 triển khai thực hiện trợ TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sở Tư pháp tổ chức 20 đợt truyền thông trực tiếp hướng dẫn tại vùng ĐBDTTS; 1 đợt hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận TGPL đối với ĐBDTTS; 5 đợt hội nghị chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng ĐBDTTS. Ngành Tư pháp còn biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách TGPL cho người DTTS gồm: 10.000 tờ gấp pháp luật và 2.800 sổ tay có nội dung về chính sách TGPL. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp đã tổ chức được 10 đợt truyền thông trực tiếp điểm tại các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, thị xã Vĩnh Châu… Đồng thời, biên soạn, in ấn 10.000 tờ gấp pháp luật các loại về TGPL và 2.800 cuốn sổ tay TGPL cấp phát miễn phí cho người dân vùng ĐBDTTS.
Đồng chí Lương Thị Ngọc Hân - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp TGPL cho ĐBDTTS trong thời gian tới, Sở Tư pháp tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, thông tin giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng theo trách nhiệm của từng đơn vị trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia TGPL một cách nhanh chóng, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng và số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đảm bảo các đối tượng thuộc diện TGPL được kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ TGPL với chất lượng tốt. Trung tâm sẽ phối hợp với TAND 2 cấp trong việc kết nối với người trực qua điện thoại và tạo điều kiện thuận lợi cho người thuộc diện TGPL được tiếp cận dịch vụ TGPL theo kế hoạch giữa Sở Tư pháp và TAND tỉnh triển khai chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TAND Tối cao về cử người thực hiện TGPL trực tại TAND. Song song đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh còn tiếp tục phối hợp với phòng tư pháp, UBND cấp xã đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL cho người DTTS để người dân biết đến quyền được TGPL và tiếp cận với hoạt động TGPL; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng ĐBDTTS của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Có thể khẳng định, hoạt động TGPL có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật, đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt người DTTS.