Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hạn

Sóc Trăng có trên 11.000ha rừng, trong đó, rừng phòng hộ ven biển có diện tích 7.355ha, rừng sản xuất là 3.266ha và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường là 269ha. Rừng phòng hộ ven biển có thủy triều lên xuống thường xuyên nên nguy cơ xảy ra cháy là không cao. Còn lại rừng sản xuất do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường do Ban Quản lý di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy (Bảo tàng tỉnh) quản lý chủ yếu là cây tràm, trên mặt đất có rất nhiều lá cây, cỏ, lau, sậy khô, chết nhiều năm, tạo thành lớp thực bì dày, rất dễ cháy vào mùa khô...

Vào thời điểm này, bước vào cao điểm nắng nóng, các khu vực rừng tràm của tỉnh đã ở mức độ cháy cấp 2, cấp 3 nên nguy cơ cháy rừng được dự báo ngày càng cao nếu thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài.

Các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra rừng để bảo vệ rừng được tốt hơn. Ảnh: THÚY LIỄU

Các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra rừng để bảo vệ rừng được tốt hơn. Ảnh: THÚY LIỄU

Với dự báo về nguy cơ mức độ cháy như trên, để chủ động phòng chống cháy rừng và có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng phối hợp cùng các đơn vị liên quan, địa phương, kể cả người dân sinh sống gần các cánh rừng, ngay từ đầu những tháng mùa khô đã chủ động triển khai các giải pháp cũng như phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần thiết. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã chuẩn bị tốt nội dung, lập kế hoạch phối hợp với các phòng chức năng như: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sóc Trăng, Ban Quản lý di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy và các ngành có liên quan tiến hành tổ chức tập huấn, triển khai các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống cháy rừng cũng như tổ chức lực lượng thường trực, canh gác tại các tháp canh trong những ngày cao điểm 24/24 giờ; đôn đốc, hướng dẫn các chủ trương và nhiều biện pháp lâm sinh làm giảm nguồn vật liệu cháy ở trong rừng khi chăm sóc.

Đồng thời, kiểm tra hiện trạng các cánh rừng, rà soát lại các khu vực có nguy cơ cháy, kiểm tra các công tác chuẩn bị PCCC rừng tại đơn vị quản lý rừng, chủ rừng và lãnh đạo các phân trường; tiến hành xem xét việc chuẩn bị nguồn nước trong PCCC là các kênh, mương được nạo vét thông thoáng, máy móc trang thiết bị phục vụ cho yêu cầu chữa cháy được kiểm tra thường xuyên. Hiện nay, ở mỗi phân trường đều có ít nhất 4 máy bơm có công suất 2.000m3/giờ, chất lượng sử dụng còn khá tốt. Nhiên liệu chạy máy cùng các công cụ thô sơ khác luôn được chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời hành động khi có sự cố xảy ra.

Tiến hành các cuộc diễn tập PCCC rừng cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và người dân sống ven rừng. Ảnh: THÚY LIỄU

Tiến hành các cuộc diễn tập PCCC rừng cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và người dân sống ven rừng. Ảnh: THÚY LIỄU

Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động PCCC rừng (Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng) Nguyễn Tấn Nam cho biết: “Công tác bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo của UBND tỉnh và đơn vị chủ quản, chi cục đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra các đơn vị chủ rừng theo quy định; mở các lớp tuyên truyền về PCCC rừng cho tổ bảo vệ rừng và người dân sinh sống gần khu vực. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các diện tích rừng tại tỉnh đang có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là Phân trường Thạnh Trị nằm ở mức cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, chi cục đề nghị các đơn vị chủ rừng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt những vùng có nguy cơ cháy cao, nạo vét kênh mương thông thoáng, thường xuyên lấy nước vào để thuận tiện cho việc lưu thông và dự bị nước phòng cháy; thường xuyên phân công trực tháp canh, đặc biệt là các giờ cao điểm từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24...”.

Ông Ngô Minh Tát, ở xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) bộc bạch: “Những năm gần đây, người dân sinh sống ven rừng đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng nhờ dự các lớp tập huấn tuyên truyền của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng. Người dân đã tích cực trong công tác PCCC rừng. Minh chứng là khi ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn liên quan đến bảo vệ, PCCC rừng, bà con đều nhiệt tình tham gia đầy đủ…”.

Giám đốc Phân trường Mỹ Phước Đỗ Xuân Dần thông tin: “Phân trường Mỹ Phước 1 và 2 có diện tích rừng 2.600ha. Khi mùa khô đến, ngoài việc xây dựng các phương án PCCC rừng kết hợp vận động người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, đơn vị còn tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Công tác diễn tập nhằm giúp đơn vị đánh giá hiện trạng các máy móc, kỹ năng của lực lượng tham gia chữa cháy. Từ đó, rút ra kinh nghiệm tốt nhất để xử lý tình huống khi có sự cố cháy rừng xảy ra…”.

Mặc dù tỉnh ta chưa xảy ra tình trạng cháy rừng tại các khu vực rừng tràm và rừng phòng hộ, tuy nhiên, trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay thì việc triển khai các giải pháp PCCC rừng của Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng và các đơn vị liên quan rất bài bản. Vì vậy, để bảo vệ rừng, bên cạnh các giải pháp được ngành chuyên môn triển khai thực hiện, người dân hãy cùng chung tay bảo vệ rừng, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ “lá phổi xanh của trái đất”, ứng phó biến đổi khí hậu…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-kho-han-36122.html