Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đời sống người dân

Đường phố Hà Nội trong những ngày qua luôn vắng người và phương tiện. Trừ các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động bình thường, các cửa hàng còn lại đều đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội được người dân Thủ đô ủng hộ và tự giác chấp hành tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Ảnh: Bình An

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Ảnh: Bình An

Đường phố Hà Nội trong những ngày qua luôn vắng người và phương tiện. Trừ các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu vẫn mở cửa hoạt động bình thường, các cửa hàng còn lại đều đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội được người dân Thủ đô ủng hộ và tự giác chấp hành tốt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội

Qua khảo sát tại nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, người dân Thủ đô chấp hành khá tốt việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện giãn cách xã hội. Tại khu vực hồ Gươm, Công viên Lê-nin, hồ Thiền Quang, hồ Hoàng Cầu, đường ven hồ Tây… những nơi người dân thường đi dạo, tập thể dục, sau ngày đầu vẫn còn khá đông người, nhưng sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở đã có những chuyển biến.

Tại khu vực ngoại thành, việc giãn cách xã hội cũng được người dân thực hiện nghiêm túc. Lực lượng công an xã và các tổ chức, đoàn thể trực chốt, tuần tra, kiểm soát, giúp chính quyền xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Ðể thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã ban hành quy định chi tiết về việc xử phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và lực lượng chức năng các cấp đã nhanh chóng vào cuộc tuyên truyền, vận động; có nơi đã áp dụng chế tài phạt người ra đường không có lý do chính đáng, xử phạt người không đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng. Chủ tịch UBND quận Ba Ðình Tạ Nam Chiến cho biết... từ ngày 1 đến 5-4, các lực lượng chức năng đã xử phạt 48 trường hợp vi phạm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 43 cá nhân bị phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng và ba trường hợp bị phạt vì ra đường không có lý do chính đáng, hai hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu mở cửa bán hàng, tổng số tiền phạt là 23 triệu 800 nghìn đồng.

Tại quận Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng của 18 phường trên địa bàn quận ứng trực từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày, tăng cường tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành quy định, tập trung tuyên truyền bằng loa tại 90 điểm, tổ chức hai điểm đo thân nhiệt và khai báo y tế cho các chủ phương tiện tại đầu cầu Long Biên và cầu Chương Dương... Từ ngày 1 đến 5-4, quận đã xử phạt 203 trường hợp vi phạm. Tại quận Ðống Ða, năm ngày qua đã xử phạt hơn 200 trường hợp, quận Bắc Từ Liêm lập biên bản xử lý gần 100 trường hợp không chấp hành đeo khẩu trang ở nơi công cộng…, có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức người dân.

Tại các chợ, hầu hết các tiểu thương bán hàng đều tuân thủ việc đeo khẩu trang và găng tay. Tại cổng chợ, ban quản lý các chợ cũng trang bị cồn, nước rửa tay khô để người dân sát khuẩn tay trước khi vào, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang. Tại các siêu thị, khách hàng trước khi vào siêu thị đều được nhân viên đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sát khuẩn tay...

Duy trì cung cấp các dịch vụ thiết yếu

Bên cạnh việc thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan, công sở của thành phố đều tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế tối đa số cán bộ, công chức đến công sở. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết, từ ngày 1-4, các phòng, ban của quận và các phường trên địa bàn duy trì 141 cán bộ, công chức (bằng 20% số cán bộ, công chức) làm việc tại trụ sở, 540 cán bộ, công chức còn lại làm việc tại nhà qua hệ thống in-tơ-nét, bảo đảm duy trì chất lượng và khối lượng công việc. Tại huyện Mê Linh, trong sáng 6-4, các phòng, ban của huyện duy trì chỉ có một lãnh đạo và một cán bộ làm việc tại trụ sở đơn vị. Còn lại, các cán bộ, công chức làm việc bằng công nghệ thông tin tại nhà. Huyện đã tạm dừng tất cả các cuộc họp tập trung quá 20 người, chuyển sang hình thức họp trực tuyến.

Tại Cục Thuế TP Hà Nội, dù đang trong đợt cao điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập, nhưng những ngày này, bộ phận Một cửa cũng như các phòng giao dịch khá vắng vẻ. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, việc tiếp nhận các thủ tục thuế đã thực hiện hầu hết trên giao dịch điện tử. Người nộp thuế có thể gửi hồ sơ thuế tại Cổng thông tin thuế điện tử của Tổng cục Thuế, sẽ được hỗ trợ 24 giờ/7 ngày hoặc gửi qua đường bưu điện. Ðến hết ngày 30-3, đã có khoảng 98% số hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân được gửi đến Cục Thuế Hà Nội, trong đó gần 100% hồ sơ tiếp nhận qua Cổng thông tin thuế điện tử của cơ quan thuế và qua đường bưu điện. Ðối với những trường hợp đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế, Cục Thuế đã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận thu hồ sơ nhanh bằng cách phân luồng bộ phận tiếp nhận.

Ðể hạn chế tiếp xúc đông người, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đẩy mạnh thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng mức độ 4 bằng chữ ký số, doanh nghiệp sẽ không phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ bưu điện để gửi hồ sơ, đồng thời, đăng ký nhận kết quả tại nhà hoặc trụ sở công ty qua đường bưu điện, hạn chế tối đa việc đến nhận kết quả trực tiếp. Từ ngày 1-4, Sở Giao thông vận tải không tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp tại bộ phận Một cửa, chỉ tiếp nhận đối với hồ sơ nộp trực tuyến qua cổng thông tin của sở với tất cả 59 thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ và 29 thủ tục lĩnh vực đường thủy.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị, vật tư y tế… được giữ nhịp độ bình thường, thậm chí, nhiều mặt hàng còn được đẩy nhanh sản xuất để kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Do mọi người làm việc, học tập tại nhà nhiều hơn, đòi hỏi các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt bảo đảm ổn định. Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn BRG đã tăng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dự trữ lên 300% đến 500% so với bình thường. Công ty Nước sạch Hà Nội đã có phương án bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân trong mọi tình huống. Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội đã lập phương án bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn, ổn định trên địa bàn, lập phương án cấp nguồn dự phòng cho các khu vực trọng điểm.

Những cách làm cụ thể này của thành phố Hà Nội góp phần quan trọng đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

QUỐC TOẢN và SƠN TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/43961902-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-bao-dam-doi-song-nguoi-dan.html