Tăng cường phòng chống dịch COVID -19 trong tình hình mới

PTĐT - Mặc dù trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, toàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết tâm cao nhất là không để dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế. PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh COVID -19 ở nước ta hiện nay?
Tiến sĩ Lê Quang Thọ: Theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến 06h ngày 25/8/2020 Việt Nam có tổng cộng 680 ca mắc COVID -19 do lây nhiễm trong nước, bao gồm 540 ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng kể từ ngày 25/7/2020 đến nay và đã có 27 ca tử vong do COVID -19 trên những bệnh nhân mắc bệnh lý nền. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, hàng loạt các giải pháp, biện pháp kỹ thuật đã được triển khai đồng bộ, bài bản. Đặc biệt, không chỉ cả hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên môn thực hiện phòng chống dịch, mà toàn thể người dân đã chung sức, đồng lòng tham gia cuộc chiến theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống Covid-19”. Kết quả, chỉ sau một tháng, đến nay tình hình dịch COVID -19 đã cơ bản được kiểm soát trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, chừng nào nhân loại chưa hiểu biết đầy đủ về SARS-CoV-2, chưa có vắc xin phòng COVID-19 thì cuộc chiến phòng, chống dịch vẫn còn cam go và thế giới chưa thể an toàn với dịch bệnh này. Hầu hết mọi người dân Việt Nam hiện nay vẫn luôn có nguy cơ mắc COVID-19 ở các mức độ khác nhau và mức độ đó tùy thuộc vào ý thức của chính mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Chỉ một chút lơ là, chủ quan, chúng ta sẽ phải trả giá bằng những thiệt hại không thể đo đếm được, đó là sức khỏe và tính mạng, đó là sinh kế không được bảo đảm, đó là sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước bị đình trệ…

Cán bộ Đài truyền thanh xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 cho người dân

Cán bộ Đài truyền thanh xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 cho người dân

PV: Xin ông cho biết, trước làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện ở Việt Nam hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để ứng phó?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ:

Sẵn có những bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh - Sở Y tế đã chủ động, khẩn trương triển khai các hoạt động sẵn sàng thích ứng trong tình hình mới. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, thông tin chia sẻ từ các tỉnh bạn, đồng thời giám sát nắm bắt kịp thời các sự kiện liên quan đến dịch bệnh trên toàn tỉnh. Qua đó, tổng hợp, phân tích, đánh giá đúng nguy cơ, nhận định và dự báo sát diễn biến tình hình dịch trên địa bàn để chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh các giải pháp, biện pháp ứng phó mang tính chủ động, kịp thời, hiệu quả. Tái kích hoạt ở cấp độ cảnh báo cao với các Đội đáp ứng nhanh các tuyến y tế, duy trì thường trực 24/7. Phối hợp cùng chính quyền cơ sở và mạng lưới các ngành, đoàn thể liên quan rà soát, phát hiện, lập danh sách tất cả các trường hợp đi qua hoặc trở về từ vùng tâm dịch Đà Nẵng và các ổ dịch khác, các trường hợp F1, F2 của ca bệnh đã xác định, các trường hợp nhập cảnh trái phép về địa phương chưa qua cách ly để áp dụng các biện pháp xét nghiệm sàng lọc, cách ly, theo dõi phù hợp theo quy định và hướng dẫn. Triển khai cấp bách các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tuyệt đối không để xuất hiện ổ dịch, không để lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế. Yêu cầu 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cả công lập và tư nhân tự rà soát, đánh giá, chấm điểm theo Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp do Bộ Y tế quy định, hướng dẫn. Không cho phép các bệnh viện không an toàn duy trì hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan truyền thông, cùng các cấp, ngành liên quan làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân không chủ quan, nhưng cũng không hoang mang lo lắng về dịch bệnh, khuyến cáo hướng dẫn cài đặt NCOVI, Bluezone…

Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát tờ rơi hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone cho người dân

Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát tờ rơi hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone cho người dân

PV: Chúng ta đã rất lo lắng khi bệnh nhân 994 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chỉ đến lần xét nghiệm thứ 3 mới khẳng định bệnh nhân này không mắc COVID-19. Tuy nhiên, ngay khi nhận được thông tin, tất cả các phương án phòng chống dịch đã được kích hoạt. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ:

Có thể khẳng định, ngành y tế Phú Thọ đã có sự chuẩn bị rất bài bản và kỹ lưỡng để sẵn sàng ứng phó hiệu quả nhất có thể với các tình huống dịch. Và sự kiện bệnh nhân số 994 ngày 19/8/2020 là một minh chứng. Ngay trong đêm, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chỉ trong vòng chưa đâỳ12 tiếng kể từ khi nhận được thông tin ca 994 là người có hộ khẩu thường trú tại xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, cách ly y tế, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, xử lý thanh khiết môi trường, thực hiện giãn cách xã hội… đã được triển khai đồng bộ, với sự vào cuộc, phối hợp nhuần nhuyễn của các bên liên quan mà gần như không gặp bất kỳ trở ngại, lúng túng nào đáng kể. Rất may sau đó, như chúng ta đã biết, ngày 21/8/2020 người này đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia chính thức rút khỏi danh sách ca bệnh và các biện pháp vừa nêu đã được kết thúc.

Tính đến nay, chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lại một lần nữa phải khẳng định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trên địa bàn vẫn luôn luôn thường trực. Nếu cả hệ thống chính trị quyết liệt và sát sao, toàn ngành y tế luôn chủ động sẵn sàng các biện pháp nêu trên, đặc biệt từng người dân thực hiện theo đúng khuyến cáo phòng, chống dịch thì chắc chắn cho dù có xuất hiện một hoặc một vài ổ dịch trên địa bàn, chúng ta cũng tự tin khẳng định sẽ xử lý nhanh, triệt để, không để dịch lây lan, bùng phát.

PV: Theo ông, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường như vậy, người dân cần làm gì để phóng tránh dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng?

Tiến sĩ Lê Quang Thọ:

Mọi nỗ lực của hệ thống chính trị, của các cơ quan chuyên môn trong phòng, chống dịch COVID-19 sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không có sự đồng thuận, chung tay, chung sức của từng người dân và của cả cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi rất mong mọi người dân, toàn xã hội hãy thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống COVID-19”. Đặc biệt, mỗi cá nhân hãy thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 9 biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cuối cùng là lời nhắn nhủ mang tính cá nhân, rằng: Nếu không thực hiện các khuyến cáo nêu trên, quý vị luôn có nguy cơ mang mầm bệnh về nhà. Khi đó, hơn ai hết, chính ông bà, cha mẹ, hoặc người thân trong gia đình quý vị - nhất là những người cao tuổi và rất nhiều trong số họ có thể đã sẵn bệnh lý nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, ung thư…) - là những người bị lây nhiễm đầu tiên. Và hậu quả cho người già, người có bệnh lý nền bị mắc COVID-19 thì tất cả chúng ta đều đã rõ. Mong mỗi người hãy ý thức rõ trách nhiệm của mình!

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Quý (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202008/tang-cuong-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-172693