Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái phát

ĐBP - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát trên địa bàn tỉnh từ ngày 2/6/2020. Tính đến hết ngày 29/10, toàn tỉnh đã có 557 hộ chăn nuôi lợn tại 182 thôn bản ở 38 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố (trừ Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông và Tuần Giáo) với 1.847 con lợn, trọng lượng trên 104 tấn bị mắc bệnh phải tiêu hủy.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP. Ðiện Biên Phủ tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả châu Phi.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Mặc dù DTLCP tái phát trên địa bàn tỉnh song vẫn đang trong tầm kiểm soát. Số lượng lợn tiêu hủy trung bình trong mỗi tháng chỉ bằng 5% của năm 2019; số hộ có lợn tiêu hủy bằng 4,2% của năm 2019; trọng lượng trung bình lợn tiêu hủy cũng thấp hơn (33kg/con so 44kg/con năm 2019). Mỗi thôn, bản có dịch chỉ có từ 1 - 2 hộ có lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, không vì thế mà các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương được phép chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh tái phát. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và phòng, chống dịch phát sinh mới. Ðối với các huyện đang có dịch, UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã tổ chức quyết liệt dập tắt các ổ dịch tái phát, các ổ dịch mới phát sinh theo đúng quy định, hướng dẫn, không để dịch lây lan ra diện rộng. Ðồng thời, UBND huyện ban hành quyết định công bố DTLCP trên địa bàn khi có đủ điều kiện để làm cơ sở cho việc hỗ trợ; tạm thời dừng các kế hoạch, chương trình dự án, mô hình liên quan đến cung cấp con giống chăn nuôi lợn; tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Ðối với các huyện chưa tái phát dịch, chủ động sẵn sàng các nguồn lực để khống chế, dập tắt ngay các ổ dịch khi mới phát hiện; tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng để người dân tự giác thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi lợn. Các hộ chăn nuôi chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn, khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc DTLCP phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất; tuyệt đối không được vứt xác lợn và các sản phẩm của lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây tái phát DTLCP là do các hộ chăn nuôi tổ chức tái đàn khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Nhằm hạn chế tình trạng này, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân phải đảm bảo đúng nguyên tắc tái đàn lợn là chăn nuôi tập trung tại các khu vực chưa có dịch hoặc đã từng có dịch song đã được cách ly quá 21 ngày. Các cơ sở chăn nuôi phải có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc; thường xuyên theo dõi và giám sát đàn lợn trong 21 ngày và phải báo cho chính quyền địa phương khi nghi ngờ lợn có biểu hiện dịch bệnh. Thời gian qua, khi nhu cầu lợn giống tái đàn cao, tại một số xã của huyện Ðiện Biên, Mường Chà có hiện tượng người dân đi mua gom lợn giống và đăng bán trên mạng xã hội với giá cao. Việc gom lợn giống tập trung từ nhiều nguồn cũng là một trong những nguyên nhân có thể gây tái phát dịch bệnh, bởi vì chất lượng, nguồn gốc con giống không rõ ràng. UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương phải theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn của các hộ chăn nuôi, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, theo dõi về chất lượng, nguồn gốc con giống.

Tại huyện Ðiện Biên, tính đến ngày 6/10, DTLCP đã xuất hiện ở 273 hộ chăn nuôi lợn của 100 thôn, bản trên địa bàn 15/21 xã. Tổng số lợn tiêu hủy là 911 con, tổng trọng lượng 53,8 tấn. Từ tháng 9 đến đầu tháng 10/2020, huyện Ðiện Biên liên tục tái phát dịch tại các xã: Thanh Xương, Pom Lót, Pa Thơm, Hẹ Muông… Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Ðể ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng, phòng đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã triển khai thực hiện công tác dập dịch. Ðồng thời cử cán bộ kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nghi mắc bệnh tại các thôn bản, xã chưa có dịch; tham mưu cho UBND các xã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh cấp xã; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đàn lợn trên địa bàn; tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi lợn an toàn, có chuồng trại, không nuôi thả rông.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/182184/tang-cuong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat